Theo báo cáo vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong mức tăng 0,33% của CPI tháng 10/2024 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Trong đó, nhóm giao thông tăng mạnh nhất với 0,66% (tác động làm CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm), chủ yếu do giá dầu diezen tăng 2,27%; giá xăng trong nước tăng 0,98% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 32,75% do nhu cầu của người tiêu dùng tăng.
Tiếp theo là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,55% (tác động làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm), trong đó, lương thực tăng 0,77%; thực phẩm tăng 0,66% (tác động tăng 0,14 điểm phần trăm) chủ yếu là do thiếu hụt nguồn cung sau mưa bão.
Nhóm giáo dục tăng 0,48%, trong đó giá dịch vụ giáo dục tăng 0,53% do một số trường mầm non tư thục, cao đẳng, nghề, trung cấp, đại học, sau đại học tăng học phí.
Riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,05%, trong đó, phụ kiện máy điện thoại thông minh và máy tính bảng giảm 0,46%; giá máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 0,28%; giá máy điện thoại di động thông thường giảm 0,17%. Ngược lại, giá sửa chữa điện thoại tăng 0,4% do chi phí nhân công tăng.
CPI tháng 10/2024 tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2024, CPI tăng 3,78% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản tháng 10/2024 tăng 0,23% so với tháng trước, tăng 2,% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,78%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.