Các thành viên tham dự đã thảo luận sôi nổi về các chủ đề “Nhìn lại một năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các cơ hội tại Việt Nam” và “Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh tại Việt Nam”.
Ông Robert Cameron, phụ trách khu vực châu Á, Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Canada (EDC), khẳng định: Với những yếu tố thuận lợi về nhân khẩu học và tầng lớp trung lưu không ngừng lớn mạnh, nền kinh tế Việt Nam đem đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Canada. Ông Robert Cameron khuyến nghị, trước khi thâm nhập thị trường, doanh nghiệp cần chuẩn bị đầu tư thời gian và nguồn lực để xây dựng các mối quan hệ bền vững tại địa bàn. Các doanh nghiệp xuất khẩu Canada nên chọn một đại diện tại địa phương làm nhà nhập khẩu/phân phối các mặt hàng xuất khẩu của mình. Các cơ quan như EDC và TCS (cơ quan hỗ trợ thương mại, thuộc Bộ Các vấn đề toàn cầu, quy tụ hơn 1.000 chuyên gia thương mại của Canada) có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xâm nhập thị trường mới và trong quá trình kinh doanh.
Trong khuôn khổ CPTPP, cơ hội đối với các doanh nghiệp Canada tại thị trường Việt Nam trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ hàng không, công nghệ thông tin-viễn thông, tới nông sản, khoáng sản. Trong năm 2019, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại Đông Nam Á, với kim ngạch thương mại hai chiều ước đạt 7,8 tỷ CAD (5,98 tỷ USD).
Các đại biểu tham dự hội thảo đã đề cập đến tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam-Canada trong lĩnh vực tài chính, trong bối cảnh giá trị nhập khẩu dịch vụ tài chính vào Việt Nam lên tới 523 triệu USD trong năm 2018.
Mức đầu tư của Việt Nam vào cơ sở hạ tầng giao thông vận tải - lĩnh vực mà Canada có nhiều điểm mạnh - dự kiến sẽ tăng lên 11 tỷ USD vào năm 2020 và 17 tỷ USD vào năm 2025. Đây được coi là “mảnh đất màu” mà doanh nghiệp hai nước cần thúc đẩy khai thác.
Giáo dục tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hợp tác Canada-Việt Nam. Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và thứ 5 toàn cầu về nguồn du học sinh quốc tế tại Canada, với trên 20.000 du học sinh Việt Nam đang theo học ở “xứ sở lá phong”.
Giới chức Canada cũng nhấn mạnh đến những cơ hội hợp tác mới nổi lên trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và quản lý rác thải, khi Việt Nam không ngừng nỗ lực ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Bà Julie Nguyễn, Giám đốc Hội đồng Thương mại Canada - Việt Nam, chia sẻ: “Hội thảo lần này thu hút sự quan tâm lớn của Chính phủ Canada, chính quyền tỉnh bang Ontario và đặc biệt là các doanh nghiệp Canada vì họ nhận thấy nhiều cơ hội ở Việt Nam, quốc gia có nền kinh tế ổn định và tăng trưởng mạnh. Trong khuôn khổ của thỏa thuận hợp tác giữa Thành phố Toronto và Tp. Hồ Chí Minh, Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam phối hợp với Thành phố Toronto đang lên kế hoạch tổ chức chuyến đi tìm hiểu thị trường Tp. Hồ Chí Minh để tạo điều kiện kết nối các doanh nghiệp Toronto tiếp cận thị trường Việt Nam”. Đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu của tỉnh bang Ontario sang Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 1-11/2019 đã tăng tới 17,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Hiện CPTPP đã có hiệu lực tại 7 nước là Canada, Australia, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore và Việt Nam. Peru, Malaysia, Chile và Brunei đang trong tiến trình phê chuẩn CPTPP. Không có sự tham gia của Mỹ, 11 nước thành viên CPTPP vẫn chiếm khoảng 13% Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của thế giới.
CPTPP đem đến cho các doanh nghiệp Canada cơ hội được tiếp cận tốt hơn với một trong những khối thương mại lớn nhất thế giới, một thị trường có 505 triệu người tiêu dùng, với quy mô GDP lên tới 10.600 tỷ USD. Theo giới chuyên gia, tiềm năng to lớn của hiệp định này cần được Việt Nam và Canada khai thác tốt hơn nữa trong thời gian tới. Sân chơi mới đã mở nhưng nếu các doanh nghiệp không chủ động nhập cuộc thì cũng khó có thể chiếm lĩnh được thị trường.