Trong kỳ sát hạch này, có 14 học viên đến từ các tỉnh phía Bắc, trong đó có 4 bậc thường và 11 bậc cao. Người dự tuyển phải học đại học ngành kỹ thuật, cơ khí, ô tô; trải qua tập huấn tối thiểu 12 tháng, có xác nhận thực tập đạt số lượng xe theo yêu cầu. Với đăng kiểm viên bậc cao phải có 36 tháng kinh nghiệm.
Các học viên chia làm hai đợt thi lý thuyết, mỗi người một đề khác nhau, thời gian thi 45 phút. Lý thuyết là những câu hỏi về nghiệp vụ và văn bản pháp lý. Riêng đăng kiểm viên bậc cao có thêm nội dung phân tích, đánh giá và chẩn đoán.
Học viên phải đạt yêu cầu phần lý thuyết mới được tham dự tiếp theo phần thực hành. Phần thi thực hành có 5 công đoạn, kiểm tra trên dây chuyền dưới sự giám sát của các đánh giá viên.
Ứng viên đạt từ 3 công đoạn trở lên sẽ đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận, công đoạn không đạt sẽ bổ sung sau 6 tháng. Nếu đạt dưới 3 công đoạn thì thi lại sau một tháng (thi lại cả lý thuyết và thực hành).
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, dù nhân sự đăng kiểm đang thiếu hụt trầm trọng nhưng kỳ thi vẫn phải đảm bảo diễn ra nghiêm túc, đánh giá chính xác năng lực, trình độ chuyên môn của các đăng kiểm viên.
Từ đầu năm đến nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tuyển bổ sung khoảng 100 đăng kiểm viên các cấp. So với nhu cầu thực tế, cả nước vẫn còn thiếu khoảng 500 đăng kiểm viên.
Để bổ sung nhân lực, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, từ nay đến cuối năm, mỗi tháng sẽ tổ chức 2 đợt đánh giá tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 14.03V (Móng Cái, Quảng Ninh) cho biết, ông tham gia kỳ thi nhằm đánh giá lại tay nghề sau 3 năm được cấp chứng chỉ. Kỳ thi cũng là cơ hội để cập nhật thêm những quy định mới; trong đó có một số nội dung tại Thông tư 02/2023 về đăng kiểm ô tô.
Ông Dũng hy vọng có thể vượt qua hai phần thi suôn sẻ, sau đó kịp về lại Quảng Ninh trong đêm để sáng mai có thể làm việc bình thường.