Cụm Dự án giải tỏa công suất Nhà máy BOT Vân Phong 1 - Bài cuối: Không còn thời gian dự phòng

Để đảm bảo tiến độ cụm Dự án giải tỏa công suất Nhà máy BOT Vân Phong 1, EVNNPT, CPMB bám sát UBND các huyện/thị/thành phố thuộc địa bàn hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận nhằm rà soát các vướng mắc còn tồn tại phần móng trụ và hành lang tuyến để hoàn thành bàn giao mặt bằng hành lang tuyến còn lại trong tháng 6 này

Tại cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện các Dự án giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) BOT Vân Phong 1 nhằm rà soát các tồn tại ảnh hưởng đến tiến độ cụm Dự án diễn ra chiều 17/6 ở Khánh Hòa, ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) nhấn mạnh, với mục tiêu trước ngày 26/12 phải đóng điện hai đường dây 500 kV và đường găng quan trọng của cụm Dự án là ngày 15/9  phải hoàn thành đóng điện hai đường dây 220 kV, những vướng mắc còn lại của cụm Dự án này cần lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời, kể cả bảo vệ thi công, nhất là trong giai đoạn gấp rút hiện nay. 

Chú thích ảnh
 EVNNPT họp kiểm điểm tiến độ các Dự án BOT Vân Phong 1. Ảnh: Huy Hùng/BNEWS/TTXVN

Ông Trương Hữu Thành, Phó Tổng giám đốc EVNNPT, kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB) cũng cho rằng, với tiến độ như hiện nay, yêu cầu CPMB/SPMB tập trung nhân lực để xử lý các tồn tại, vướng mắc còn lại, cùng địa phương bàn giao mặt bằng nốt cho đơn vị thi công. Riêng các nhà thầu cần tăng cường lực lượng, đôn đốc trong tất cả các khâu và triển khai kéo dây 1 mạch khi đủ các điều kiện, nếu cụm Dự án chậm một ngày sẽ thiệt hại khoảng 1 triệu USD. 

Theo đó, ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) yêu cầu các nhà thầu cuối tháng 6 này nếu đủ điều kiện sẽ triển khai kéo dây chứ không chờ đến tháng 7 mới thực hiện. Giám đốc CPMB đã yêu cầu đơn vị tư vấn giám sát ngoài tổ chức giám sát theo quy định cần tăng cường lực lượng và thường xuyên có mặt tại hiện trường để nghiệm thu thanh toán cho các nhà thầu.

Chú thích ảnh
Công nhân Truyền tải điện 3 giám sát thi công tại vị trí cột 39 đường dây 500 kV Vân Phong-Vĩnh Tân. Ảnh: Huy Hùng/BNEWS/TTXVN

“Khối lượng đến đâu nghiệm thu đến đấy, tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công. Với cán bộ tư vấn thiết kế, ngoài xử lý phát sinh cũng cử người theo dõi các nhà thầu, vướng đến đâu và như thế nào cần xử lý ngay”, ông Tuyến yêu cầu.

Bên cạnh đó, Công ty Truyền tải điện 3 có trách nhiệm phối hợp các đơn vị nghiệm thu ngay từ ban đầu, đến phần móng, tiếp địa, cột, đường dây. Trong quá trình thực hiện sẽ phát hiện ngay các khiếm khuyết để nhà thầu triển khai ngay trong mùa khô này.

Cũng tại cuộc họp, các nhà thầu xây lắp đều cam kết bổ sung nhân lực và thiết bị để khi có mặt bằng các vị trí còn lại là sẵn sàng triển khai thi công, dựng cột và kéo dây. Cụ thể việc dựng cột sẽ hoàn thành trong hai tháng 7 - 8 và kéo dây sẽ kết thúc cuối tháng 9/2022, trước mùa mưa năm nay.

Chú thích ảnh
Thi công tại vị trí cột 39 của đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong-Nhiệt điện Vĩnh Tân. Ảnh: Huy Hùng/BNEWS/TTXVN

Để đảm bảo tiến độ cụm Dự án giải tỏa công suất Nhà máy BOT Vân Phong 1, EVNNPT, CPMB bám sát UBND các huyện/thị/thành phố thuộc địa bàn hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận nhằm rà soát các vướng mắc còn tồn tại phần móng trụ và hành lang tuyến để hoàn thành bàn giao mặt bằng hành lang tuyến còn lại trong tháng 6 này. Đồng thời phối hợp với UBND các huyện/xã thông báo đến các hộ dân đã nhận tiền, tổ chức chặt hạ cây cối, tháo dỡ nhà ở, vật kiến trúc để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công kéo dây, kịp đóng điện công trình.

Nhằm tháo gỡ các vướng mắc còn lại trong bàn giao mặt bằng thi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành toàn cụm Dự án, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa cuối tuần qua, EVNNPT đã kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các địa phương trong trường hợp các hộ vẫn không bàn giao mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ pháp lý để tổ chức cưỡng chế hoặc bảo vệ thi công đối với các vị trí còn lại tại Trạm biến áp 500 kV Vân Phong và đấu nối. Bởi theo EVNNPT, hiện nay, khối lượng công việc còn nhiều cần đẩy nhanh công tác kê kiểm, xác minh nguồn gốc đất, phê duyệt phương án chi trả tiền, bàn giao mặt bằng cơ bản kết thúc trong tháng 6 này.

Đối với các hộ dân ảnh hưởng trong hành lang tuyến, không nhận tiền bồi thường, không hợp tác bàn giao mặt bằng để triển khai thi công kéo rải căng dây đáp ứng tiến độ theo kế hoạch, EVNNPT kiến nghị tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo UBND thị xã Ninh Hoà yêu cầu Công an thị xã/UBND các xã, Trung tâm Phát triển quỹ đất các phòng ban liên quan có phương án vận động tuyên truyền quyết liệt và chuẩn bị lên phương án hỗ trợ lực lượng bảo vệ thi công kéo dây. Song song với đó, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh chủ động lên phương án hỗ trợ cho UBND thị xã Ninh Hoà hoàn thiện các thủ tục và lực lượng nhằm đảm bảo mục tiêu hoàn thành đóng điện Dự án trong tháng 12/2022.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Đặng Hoàng An chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các Dự án giải tỏa công suất NMNĐ BOT Vân Phong 1. Ảnh: Huy Hùng/BNEWS/TTXVN

Với Dự án Đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân, EVNNPT đề nghị UBND tỉnh sớm có ý kiến về  hồ sơ nhà máy gạch không nung để có cơ sở cho UBND huyện Diên Khánh phê duyệt phương án bồi thường, chi trả tiền bàn giao hành lang. Đồng thời chỉ đạo UBND các huyện Diên Khánh, Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường (PABT), chi trả tiền. Mục tiêu là trước ngày 30/7 sẽ hoàn thành bàn giao mặt bằng hành lang tuyến các khoảng cột còn lại.

Trường hợp PABT được tính đúng, tính đủ theo quy định nhưng các hộ dân vẫn cố tình cản trở, chống đối và không thực hiện bàn giao mặt bằng, Tổng Công ty đề nghị UBND huyện và các đơn vị có liên quan phối hợp với Chủ đầu tư lập phương án và tổ chức lực lượng bảo vệ thi công.

Đối với các vị trí còn chưa giải phóng mặt bằng hai dự án Đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm và Krông Búk - Nha Trang; Dự án Trạm biến áp 220 kV Cam Ranh, tỉnh sớm hoàn thiện các thủ tục phương án bồi thường và chi trả tiền, bàn giao phần móng và hành lang tuyến trong tháng 6/2022 để đơn vị thi công kéo dây.

Tại buổi làm việc của UBND tỉnh Khánh Hòa với đoàn công tác của EVNNPT vào cuối tuần qua về tình hình triển khai các dự án điện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng đây là công trình trọng điểm của Quốc gia nên địa phương cam kết với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EVNNPT hoàn thành tiến độ các dự án đề ra, đảm bảo thời gian thi công và hiệu quả dự án. Phần vướng mắc giải phóng mặt bằng còn lại tỉnh sẽ yêu cầu các địa phương cố gắng vận động người dân ủng hộ các chính sách với Đảng và Nhà nước.

Trước đó ngày 9/6, tại Hà Nội,  Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực Đặng Hoàng An đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các Dự án giải tỏa công suất NMNĐ BOT Vân Phong 1 theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của  ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa và ông Phan Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận.

Tại cuộc họp, lãnh đạo hai tỉnh đều nhận xét đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên trong thời gian qua cả hệ thống chính trị của tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận đã vào cuộc rất mạnh mẽ. Hai địa phương đã thành lập những tổ công tác đến tuyên truyền vận động nhân dân bàn giao mặt bằng Dự án. Những khó khăn vướng mắc còn lại, hai tỉnh đều cam kết trước ngày 30/6 sẽ hoàn thành mặt bằng để nhà thầu triển khai kéo dây đồng loạt.

Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh đây là những Dự án rất quan trọng nhằm giải tỏa công suất NMNĐ BOT Vân Phong 1. Thời gian triển khai Dự án không còn nhiều, quỹ thời gian dự phòng gần như không có. Trong khi đó Dự án tiềm ẩn rất nhiều thách thức như cung cấp vật tư thiết bị, thi công trong điều kiện địa chất khó khăn, thời tiết sắp vào mùa mưa, mặt bằng vẫn chưa được bàn giao hết...

Do vậy, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề nghị hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân bàn giao những khoảng néo còn lại của Dự án cho Chủ đầu tư. Trong trường hợp đã tính đúng, tính đủ mà người dân không đồng thuận thì tổ chức bảo vệ thi công, nếu cần thiết sẽ tổ chức cưỡng chế để đến ngày 30/6 phải bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN/EVNNPT phân công lãnh đạo trực tiếp bám sát công trường để xử lý ngay những vướng mắc phát sinh. Cùng với đó yêu cầu nhà thầu huy động thêm nhân lực, phương tiện tăng tốc thi công trong giai đoạn thời tiết thuận lợi, tập trung thi công những vị trí khó trước để tránh mùa mưa không thi công được với quyết tâm hoàn thành toàn bộ cụm Dự án trong tháng 12/2022.

Mai Phương (TTXVN)
Cụm Dự án giải tỏa công suất Nhà máy BOT Vân Phong 1 - Bài 2: Gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng
Cụm Dự án giải tỏa công suất Nhà máy BOT Vân Phong 1 - Bài 2: Gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng

Trong quá trình triển khai thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng để xây dựng cụm Dự án trọng điểm Quốc gia giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) BOT Vân Phong 1, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB) và Ban QLDA các công trình điện miền Nam (SPMB) đại diện Chủ đầu tư quản lý các dự án này vẫn đang gặp những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến các mốc tiến độ chung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN