Nông sản an toàn hút khách mua
Sáng thứ bảy, như thường lệ, bà Tú (quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại đi siêu thị mua thực phẩm, trái cây cho cả gia đình dùng cuối tuần. Thấy có gian hàng quýt Sen Yên Bái được trang trí bắt mắt, bà ghé vào ngay.
Sau khi chọn mua hơn 2 kg quýt Sen, bà Tú chia sẻ: "Tôi nghe nói về loại quýt đặc sản này đã lâu, nhưng chưa được ăn thử bao giờ. Hôm nay, thấy siêu thị bán với giá phải chăng, chưa đến 20.000 đồng/kg, nên tôi mua ngay".
Gian hàng quýt Sen chỉ là một trong nhiều gian hàng đặc sản của tỉnh Yên Bái như thịt trâu sấy gác bếp, thịt lợn sấy gác bếp, quýt Sen, miến đao Giới Phiên, măng lứa rừng khô… được giới thiệu tại siêu thị Big C Thăng Long trong khuôn khổ “Tuần lễ đặc sản Yên Bái tại Hà Nội 2018” khai mạc sáng 30/11.
Ông Phạm Trung Lân, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết: “Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm đặc thù của địa phương và tăng cường xây dựng hình ảnh, nhãn hiệu, thương hiệu cho các đặc sản này. Thông qua Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, các đặc sản địa phương của tỉnh đã kết nối được vào các hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội".
Đây không phải là lần đầu tiên hệ thống siêu thị Big C giới thiệu, bày bán các loại đặc sản vùng miền của Việt Nam. Trước đó, rất nhiều tuần lễ hàng đặc sản địa phương như: cam Cao Phong, cá sông Đà, nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Lục Ngạn... đã được tổ chức tại đây và được người tiêu dùng Thủ đô đón nhận.
Bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch Quan hệ đối ngoại Tập đoàn Central Group Việt Nam cho biết: "Chúng tôi rất mong muốn góp phần xây dựng hình ảnh nông sản Việt Nam an toàn, chất lượng và giá cả phải chăng. Với những sản phẩm đặc sản vùng miền đạt đầy đủ chứng nhận nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm thì chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để vào được siêu thị".
Trong chương trình “Chắp cánh thương hiệu Việt”, hệ thống siêu thị Big C đã giới thiệu đến người tiêu dùng hơn 160 sản phẩm đặc sản từ các nhà cung cấp địa phương của 28 doanh nghiệp trong cả nước như: Nước mắm Cái Rồng (Quảng Ninh), nước mắm chắt TH Ba Làng (Thanh Hóa), trà (Huế), hạt điều rang củi (Gia Lai), miến dong Việt Cường (Thái Nguyên), Nem chua Thanh Xuân (Đồng Tháp)...
Là một trong những doanh nghiệp địa phương đã đưa được mặt hàng của mình vào siêu thị Big C trong Tuần lễ cá sông Đà, ông Phạm Văn Thịnh, Giám đốc Công ty Cá sông Đà Cường Thịnh cho biết: Cá sông Đà là đặc sản nổi tiếng của vùng Hòa Bình nhưng người tiêu dùng Thủ đô ít cơ hội tiếp cận. Sau khi sản phẩm được Viện An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y Tế) trao Giấy chứng nhận kết quả kiểm nghiệm đạt chất lượng an toàn thì sản phẩm công ty đã được bán tại siêu thị Big C.
"Người dân Hà Nội rất thích các sản phẩm của chúng tôi. Quan trọng là sản phẩm được cam kết chứng nhận an toàn thì siêu thị sẽ tiếp nhận và người tiêu dùng yên tâm sử dụng", ông Thịnh cho hay.
Nâng tầm đặc sản để vào kênh phân phối hiện đại
Trao đổi với báo Tin tức, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2018, Vụ đã thường xuyên làm đầu mối trung gian để kết nối các nhà sản xuất với các kênh tiêu thụ đặc sản vùng miền cho bà con nông dân.
"Hiện nay nước ta đã xây dựng hành lang pháp lý và giải pháp hỗ trợ hiệu quả trong việc đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý nhằm phát triển, quảng bá các sản phẩm đặc sản gắn với địa danh, góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Các hộ sản xuất cần quan tâm đến yếu tố này để sản phẩm mình có thể vào kênh phân phối hiện đại", bà Nga cho hay.
Tính đến giữa năm 2018 đã có 60 chỉ dẫn địa lý ở 39 tỉnh, thành phố được cập nhật, giới thiệu, bảo hộ trong số hàng ngàn mặt hàng đặc sản như nước mắm Phú Quốc, cam Vinh, tỏi Lý Sơn…
Tuy nhiên, đại diện Vụ Thị trường trong nước thừa nhận, hoạt động hỗ trợ kết nối chuỗi liên kết sản xuất - phân phối gặp khó khăn khi nhiều sản phẩm thế mạnh, tiềm năng của các địa phương còn sản xuất manh mún, thủ công; đồng thời, chưa đảm bảo tiêu chí mẫu mã, bao bì, an toàn thực phẩm theo yêu cầu, điều kiện của các hệ thống siêu thị.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đánh giá, hoạt động bày bán, quảng bá các sản phẩm đặc sản vùng miền là nét mới của các hệ thống bán lẻ hiện đại. Việc này đã nối liền các sản phẩm vùng miền của nông dân, đặc biệt là những vùng còn khó khăn, đến tay người tiêu dùng thành phố thông qua hệ thống bán lẻ hiện đại.
"Điều này rất quan trọng, có lợi cho người sản xuất đặc sản, bởi nếu không tôn vinh thì một ngày nào đó có thể những đặc sản sẽ mất dần đi. Về phía người tiêu dùng cũng rất có lợi vì không phải mất nhiều công sức đến tận nơi tiếp cận các sản phẩm này", bà Loan nói.
Nhưng để đưa được hàng vào siêu thị một cách lâu dài thì yêu cầu đặt ra là cần phải nâng cao năng lực sản xuất tại địa phương, cũng như xây dựng thương hiệu cho các loại đặc sản, đáp ứng các tiêu chuẩn để có thể đưa vào siêu thị.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho biết, để hoạt động này trở nên bền vững, không làm theo phòng trào, người nông dân, trang trại và các nhà sản xuất phải coi đây là bước khởi đầu đưa sản phẩm của mình đến với thị trường và người tiêu dùng; đồng thời phải duy trì những ưu điểm của sản phẩm, cải tiến sản phẩm theo xu hướng tiêu dùng của thị trường và chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm.
Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là bắt buộc với tất cả sản phẩm nào muốn vào siêu thị. Thực tế, có nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, không đủ giấy chứng nhận, nên chưa thể đưa vào siêu thị. Đó cũng là bài học cho các nhà sản xuất nhỏ lẻ cần nỗ lực hơn nữa.
Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm cầu nối giữa các Sở Công Thương địa phương và các đơn vị phân phối bán lẻ, đồng thời hỗ trợ các địa phương xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, để ngày càng có nhiều loại đặc sản địa phương được người tiêu dùng cả nước biết tới.