Nguồn cung các mặt hàng được đánh giá sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, giá cả không có biến động lớn.
Theo báo cáo của Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có 209/233 chợ hoạt động, đạt tỷ lệ 89,6%. Các chợ chủ yếu vẫn tập trung kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân trên địa bàn.
Ngoài ra, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên, đến nay có 3.028/3.101 cửa hàng tiện lợi để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân.
Hiện tại, cả 3 chợ đầu mối đã mở cửa hoạt động trở lại sau khi xây dựng phương án phòng, chống dịch, người vào chợ không phải thực hiện xét nghiệm COVID-19; các chợ đầu mối hoạt động là nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm cho các hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố và cho các tỉnh.
Hơn nữa, việc các kênh phân phối hoạt động trở lại đầy đủ sẽ góp phần quan trọng vào việc cung ứng hàng hóa Tết trên địa bàn thành phố.
Ở nhiều địa phương từng là vùng dịch khác tại khu vực miền Nam như An Giang, nhằm tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành của Nhà nước và phát huy vai trò của doanh nghiệp trong việc chủ động dự trữ hàng hóa tham gia thị trường.
Bên cạnh đó, đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân những tháng cuối năm, Sở Công Thương An Giang đã mời gọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, có năng lực, kinh nghiệm chủ động tạo nguồn hàng cung ứng tham gia bình ổn thị trường.
Đến nay, đã có 23 doanh nghiệp đăng ký với 451 điểm bán hàng bình ổn, bố trí rộng khắp trên địa bàn tỉnh, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, có hơn 100 điểm bán hàng bình ổn thuộc nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, hóa mỹ phẩm,… dự kiến tổng số tiền dự trữ khoảng 342 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cuối năm là thời điểm sức mua tăng cao, do đó, để kích cầu tiêu dùng, các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mại vào dịp Tết Nguyên đán.
Vì vậy, các hệ thống phân phối như: siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu, Co.op Mart Bà Rịa, Co.op Mart Tân Thành, Lotte Mart Vũng Tàu, MM Mega Market, VinMart+, Bách hoá xanh… đã triển khai rất nhiều chương trình khuyến mãi lớn, hàng ngàn mặt hàng tiêu dùng giảm giá từ 10% đến 40%.
Các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch chuẩn bị một lượng hàng lớn phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết; dự trữ lượng hàng hoá thiết yếu gồm lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghiệp, tăng khoảng 10-20% so với năm ngoái.
Chẳng hạn như siêu thị MM Mega dự trữ 600 tấn hàng, trị giá hơn 105 tỷ, tăng 41%; siêu thị Co.op Mart Bà Rịa dự trữ 800 tấn hàng, trị giá 135 tỷ, tăng 10%; siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu dự trữ khoảng 850 tấn hàng, tăng 20%; siêu thị Co.op Mart Tân Thành dự trữ lượng hàng bằng với Tết 2021, trung tâm thương mại Lotte Mart dự trữ 343 tấn hàng, tăng 15%...
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người dân tiết giảm chi tiêu nên dự báo lượng hàng dự trữ trong dịp Tết năm nay tăng khoảng từ 03% đến 15% so với cùng kỳ năm trước; ước tính tổng giá trị hàng hoá dự trữ phục vụ dịp Tết toàn tỉnh đạt khoảng 1.141,533 triệu đồng.