Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, với tư cách là Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phát triển điện lực thành phố Hà Nội, sở đã quán triệt, chỉ đạo về tầm quan trọng, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong phối hợp thực hiện bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn. Các đơn vị cần phải tuyên truyền để tổ chức, cá nhân hiểu biết về quy định của pháp luật và thành phố Hà Nội trong khâu bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp; sẽ bị xử lý nghiêm khi vi phạm việc này.
Đến nay, trên địa bàn Hà Nội lưới điện do Truyền tải điện Hà Nội quản lý có tổng số 25 điểm công trình giao chéo đường dây đang vận hành mạng điện; trong đó, đường Vành đai 4 Vùng thủ đô có 10 điểm, đường giao thông khác có 15 điểm đã và đang chuẩn bị thi công.
Ông Đinh Thế Hùng, Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện Hà Nội cho biết, việc gây ra sự cố lưới điện do các hành vi vi phạm về an toàn điện sẽ gây ra rất nhiều tổn thất lớn, khi đó sẽ bị các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý. Để tránh nguy cơ sự cố lưới điện do chủ quan từ các hoạt động thi công xây dựng trên công trường thì chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng cần nâng cao trách nhiệm, nắm bắt quy định và phối hợp tốt với Truyền tải điện trong thực hiện.
Theo ông Nguyễn Đăng Thiện, Phó Giám đốc Công ty Lưới điện cao thế thành phố Hà Nội, những nguyên nhân gây sự cố cho lưới điện cao áp trong thời gian gần đây là do phương tiện, máy móc, xe cẩu, xe xúc trong quá trình thi công, các công trình thi công xây dựng, sửa chữa, cải tạo của người dân; hay các nhà mạng viễn thông, truyền hình cáp, internet trong quá trình thi công... gần hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Đặc biệt, năm 2022, tình trạng người dân câu cá tại các ao, hồ, kênh, mương, hồ câu dịch vụ để vi phạm khoảng cách an toàn gây sự cố cho lưới diện diễn ra thường xuyên, có diễn biến hết sức phức tạp.
Để bảo đảm hành lang an toàn lưới điện cao áp trong quá trình thi công, xây dựng trên địa bàn thành, Sở Công Thương Hà Nội cùng với các sở ban ngành, 30 quận huyện thị xã và công ty điện lực, chủ đầu tư đã ký kết Biên bản ghi nhớ. Các Sở Xây dựng, Giao thông Vận tải, Công an thành phố Hà Nội phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc cấp phép giám sát sau cấp phép thi công xây dựng đối với dự án đầu tư trên địa bàn, phối hợp xử lý với nội dung phát sinh thuộc thẩm quyền.
Các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo đơn vị điện lực đang quản lý vận hành lưới diện truyền tải, phân phối trên địa bản thiết lập lại những hồ sơ vi phạm còn tồn tại, phân loại vi phạm và thực hiện ưu tiên xử lý đối với trường hợp đặc biệt nguy hiểm theo kế hoạch đặt ra trong năm 2023 và các năm tiếp theo; không để phát sinh vi phạm mới.
Công ty Lưới điện cao thế, Truyền tải điện Hà Nội kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an toàn của các chủ đầu tư đang thi công xây dựng công trình trong hoặc gần hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp cũng như việc cấp phép, giám sát cấp phép công trình liên quan; yêu cầu chủ đầu tư thực hiện ngay việc thỏa thuận với đơn vị quản lý lưới diện cao áp về biện pháp bảo vệ an toàn khi thi công xây dựng công trình trong hoặc gần hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.
Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội, Công ty Truyền tải điện 1 có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Ban chỉ đạo Phát triển điện lực các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tuyên truyền và sử dụng biện pháp kỹ thuật để cảnh báo, phòng ngừa, phối hợp trong thực hiện dự án; hỗ trợ chủ đầu tư dự án trong lập phương thức vận hành phù hợp (có thể cắt điện khi cần thiết) để nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ thi công xây dựng; đồng thời ngăn chặn không để xảy ra vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.