Bà Mette Ekeroth, Phó Đại sứ Đan Mạch tại Hà Nội cho biết, nhu cầu sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên hiện đang trở nên cấp thiết trong bối cảnh chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu ngày càng phức tạp. Trọng tâm của ngành nông nghiệp hiện nay là tối ưu hóa năng suất đồng thời bảo vệ tính toàn vẹn của môi trường đất. Trong sản xuất nông nghiệp thực phẩm, nhu cầu đối với các giải pháp công nghệ có khả năng đảm bảo an toàn, chất lượng và tính bền vững của thực phẩm ngày càng tăng.
Trong nhiều năm vừa qua, ngành nông nghiệp và thực phẩm Đan Mạch đã liên tục đầu tư vào thiết bị và giải pháp mới giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng tiêu thụ ít nước và năng lượng hơn. Ngày nay, Đan Mạch sản xuất lương thực nhiều gấp ba lần mức dân số quốc gia này có thể tiêu thụ, với lượng phát thải khí nhà kính thấp nhất ở châu Âu.
Theo bà Mette Ekeroth, Việt Nam là quốc gia thu hút sự quan tâm của Đan Mạch ở khu vực Đông Nam Á. Chuyển đổi xanh trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm luôn là chủ đề hợp tác trọng tâm giữa Đan Mạch và Việt Nam trong chương trình Hợp tác ngành chiến lược hiện tại cũng như quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh thiết lập gần đây giữa hai nước. Do đó, đối thoại Đan Mạch - Việt Nam về sản xuất nông nghiệp và thực phẩm xanh và tiết kiệm tài nguyên được kỳ vọng sẽ tạo môi trường để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Đan Mạch và Việt Nam trong ngành gặp gỡ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cũng như thúc đẩy hợp tác, góp phần đặt nền móng cho tương lai ngành nông nghiệp và lương thực ở cả hai nước.
Bà Mie Ole Lauritzen, Giám đốc Food Nation Đan Mạch cũng chia sẻ, khi chọn lựa con đường sản xuất nông nghiệp thực phẩm bền vững, Đan Mạch đã đầu tư phát triển các phương pháp sáng tạo cho toàn bộ chuỗi giá trị. Đan Mạch mong muốn được chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm này và hy vọng tạo cảm hứng cho hành trình tăng cường hợp tác, đổi mới và trao đổi công nghệ giữa Đan Mạch và Việt Nam. Khi cùng hợp tác, Việt Nam và Đan Mạch không chỉ hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng về các sản phẩm nông sản chất lượng cao mà còn đảm bảo sản xuất bền vững và có trách nhiệm với môi trường.
Ông Jeppe Sondergaard Pedersen, Cố vấn trưởng quốc tế tại Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch đánh giá, Việt Nam có lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp nhờ điều kiện thổ nhưỡng tốt, người dân có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp lâu đời và cũng có động lực thay đổi sản xuất nông nghiệp thành ngành kinh tế hiệu quả, bền vững. Trong khi đó, Đan Mạch là quốc gia nhỏ nhưng có năng lực sản xuất nông sản, thực phẩm đạt gấp 3 lần nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đan Mạch không chỉ xuất khẩu nông sản mà còn xuất khẩu cả công nghệ, kiến thức sản xuất nông nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam – Đan Mạch có nhiều cơ hội để hợp tác, học hỏi lẫn nhau trong việc thực hiện mục tiêu tăng năng suất, chất lượng nông sản, thực phẩm nhưng giảm dấu chân carbon. Để thực hiện mục tiêu đó, trước hết người nông dân phải hiểu được vai trò và trách nhiệm của mình trong chuỗi sản xuất để tuân thủ quy trình sản xuất xanh hơn và bền vững hơn. Các mắt xích khác trong chuỗi cung ứng đều phải được cải thiện, từ chất lượng cây/con giống; công nghệ thu hoạch chế biến, bảo quản tốt giúp giảm tỷ lệ thất thoát; ứng dụng tối đa nguồn năng lượng sạch trong quá trình sản xuất, tiêu dùng nông sản, thực phẩm.
Sau hội thảo, phái đoàn nông nghiệp Đan Mạch gồm các doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực chăn nuôi và thuỷ sản, sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm và các giải pháp lưu trữ cũng trực tiếp trao đổi với các doanh nghiệp Việt Nam nhằm tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong thời gian tới.