Đánh giá tài nguyên dầu khí đá phiến khu vực châu Á

Sáng 23/4, Hội thảo quốc tế về đánh giá tài nguyên dầu khí đá phiến khu vực châu Á (thuộc Dự án đánh giá tài nguyên dầu khí phi truyền thống giai đoạn 2) đã khai mạc tại Hà Nội.

Hội thảo do Ủy ban điều phối các chương trình khoa học địa chất khu vực Đông và Đông Nam Á (CCOP), Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Hàn Quốc (KIGAM) và Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) phối hợp tổ chức.

Tiến sỹ Byeong-Kook Son, Trưởng nhóm nghiên cứu dầu khí và biển của  KIGAM đã giới thiệu kết quả triển khai đánh giá tiềm năng dầu khí tại 13 bể trầm tích và 21 thành tạo đá phiến ở châu Á.

Tiến sỹ Byeong-Kook Son cho biết, trữ lượng dầu khí đá phiến ở các nước châu Á theo cập nhật mới nhất là: Malaysia có 8,19 TCF (tương đương 232 tỷ m3), Philippines có 149,8 TCF (tương đương 4.242 tỷ m3), Việt Nam có 77 TCF (tương đương 2.180 tỷ m3), Indonesia có 58,12 TCF (tương đương 1.646 tỷ m3), Hàn Quốc có 72,5 TCF (tương đương 2.053 tỷ m3), Lào có 51 TCF (tương đương 1.444 tỷ m3).

Giáo sư, Tiến sỹ Azara N.Tucuncu - Khoa Kỹ thuật Dầu khí, Viện Dầu khí phi truyền thống Mỹ (UNGI) cho biết, việc nghiên cứu và khai thác các nguồn tài nguyên phi truyền thống như dầu khí đá phiến đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn.

Theo đó, ngay khi có các nghiên cứu tiềm năng, Chính phủ Mỹ sẽ có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, đặc biệt là ưu đãi thuế để khuyến khích các công ty dầu khí từ nhỏ đến lớn tham gia vào quá trình đánh giá tiềm năng, khai thác nguồn tài nguyên phi truyền thống này.

Vì vậy, để phát triển nguồn tài nguyên phi truyền thống này, Chính phủ Việt Nam cũng cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể cho các công ty dầu khí như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nghiên cứu triển khai.

Ngoài ra, PVN cũng có thể hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài trong nghiên cứu và đánh giá tiềm năng tài nguyên phi truyền thống, trong đó có dầu khí đá phiến.

Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ Quách Đức Tín, Thư ký Tiểu ban CCOP Việt Nam cho biết, Hội thảo là cơ hội để các nước Đông và Đông Nam Á chia sẻ kinh nghiệm trong công tác đánh giá tiềm năng dầu khí phi truyền thống; cập nhật thông tin tiềm năng dầu khí đá phiến trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Đây là cũng là cơ hội để các nước chia sẻ các phương pháp nghiên cứu và công nghệ mới để tìm kiếm, đánh giá nguồn tài nguyên phi truyền thống này.

Theo Tiến sỹ Trịnh Xuân Cường, Phó Viện trưởng VPI, Viện đang hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn về dầu khí phi truyền thống.

Cụ thể, VPI đang triển khai nghiên cứu về đặc điểm và triển vọng băng cháy (gas hydrate) khu vực Biển Đông (Dự án 47 và KC09), dầu khí đá phiến (shale oil and gas) các bể trầm tích trước địa Tam trên thềm lục địa Việt Nam, khí than (CBM) ở khu vực miền võng Hà Nội, Thanh Nghệ, Tuy Hoà…

Các nghiên cứu đã đưa ra các kết quả ban đầu cũng như đã đề xuất và tư vấn cho PVN và các bộ/ngành trong việc triển khai các nghiên cứu cũng như định hướng tìm kiếm thăm dò nguồn tài nguyên phi truyền thống này trong tương lai.

Dầu khí đá phiến là một trong những dạng tài nguyên phi truyền thống được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu, phát triển và khai thác trong hơn 10 năm qua.

Cuộc cách mạng năng lượng phi truyền thống này đã định hình lại thị trường năng lượng toàn cầu, giúp Mỹ vượt Nga và Saudi Arabia trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới lần đầu tiên kể từ năm 1973.

Anh Nguyễn (TTXVN)
Sửa đổi quy định về an toàn công trình dầu khí trên đất liền
Sửa đổi quy định về an toàn công trình dầu khí trên đất liền

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 25/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2011/NĐ-CP ngày 11/2/2011 của Chính phủ về an toàn công trình dầu khí trên đất liền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN