Các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế phát huy hiệu quả
Toàn xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh có 116 hộ đồng bào dân tộc Khmer, tập trung nhiều ở ấp 7. Đa số bà con sản xuất nông nghiệp, một số ít làm nghề thủ công mây tre đan. Với bản tính cần cù, chịu khó cộng với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, nhiều gia đình đã phát triển được mô hình kinh tế hiệu quả, tăng thu nhập.
Trước đây, gia đình ông Lý Kim Thên (ở ấp 7, xã Vị Tân) thuộc diện hộ nghèo. Vợ chồng ông Thên phải đi làm phụ hồ, cắt lúa mướn để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Từ ý chí vượt khó và sự hỗ trợ của Nhà nước, cuộc sống của gia đình ông Thên từng bước ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Ông Lý Kim Thên bộc bạch, năm 2012, xét thấy hoàn cảnh khó khăn, Nhà nước đã hỗ trợ gia đình ông xây căn nhà mới. Từ đó, hai vợ chồng càng có thêm động lực, chí thú làm ăn. Gần đây, ông tiếp tục nhận được hỗ trợ vay vốn và con giống để nuôi bò, nuôi lươn thương phẩm giúp nâng cao thu nhập, ước tính lợi nhuận thu được trên 70 triệu đồng mỗi năm. Khi đời sống được cải thiện, các con đã trưởng thành, năm 2023, gia đình ông rất phấn khởi khi được công nhận thoát nghèo. Thời gian tới, ông sẽ học hỏi nâng cao kỹ thuật để mở rộng quy mô chăn nuôi lươn và thuê thêm đất để trồng trọt. Đi qua giai đoạn khó khăn nhất, ông mong rằng, những hộ khác sau khi tiếp cận được những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước sẽ nhanh chóng cải thiện điều kiện kinh tế.
Ông Ngụy Thành Lộc, Bí thư Chi bộ ấp 7, xã Vị Tân cho biết, ấp có 113 hộ đồng bào dân tộc Khmer với 547 nhân khẩu. Công tác chăm lo đời sống cho người dân được các cấp, ngành ưu tiên thực hiện từ đường, hạ tầng giao thông, điện, nước sạch đến các chương trình hỗ trợ vay vốn, con giống chăn nuôi. Hai năm trước, ấp có trên 80 hộ đồng bào dân tộc thuộc diện hộ nghèo. Hiện nay, toàn ấp chỉ còn 3 hộ. Đây là hiệu quả rõ nét nhất từ những chủ trương, chính sách được triển khai đến người dân vùng đồng bào dân tộc Khmer, nhất là hiệu quả của các mô hình sinh kế giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Dành nguồn lực đầu tư, phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, việc chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm thực hiện kịp thời và đầy đủ. Tỉnh đã triển khai các Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; các chương trình mục tiêu quốc gia… Từ đó, giúp kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; 98% đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn có cuộc sống ổn định; 97% đồng bào Khmer được sử dụng điện an toàn; 97% xã trong vùng đồng bào dân tộc Khmer có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa và bê tông hóa; 65% ấp trong vùng đồng bào dân tộc Khmer có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa…
Ông Ký Hiếu Thanh, Phó Ban dân tộc tỉnh Hậu Giang cho biết, qua 5 năm thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc giai đoạn 2018 - 2023, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh đã thay đổi đáng kể. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào không ngừng được quan tâm đầu tư, rút ngắn khoảng cách thành thị với nông thôn, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu dịch vụ cơ bản cho người dân. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 18,83%; đến cuối năm 2022 chỉ còn 13,3%. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ nét, người dân có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập từ các mô hình nuôi lươn không bùn, nuôi gà, heo…
Theo bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, trên cơ sở phát huy thành tích đạt được, thời gian tới, tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới; chủ động thực hiện các chương trình, dự án, tranh thủ mọi nguồn lực, vận động xã hội hóa để đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, phát triển mô hình kinh tế tập thể để tận dụng đất sản xuất, theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, tỉnh kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer; đổi mới nội dung, phương thức vận động nhân dân trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, gắn với việc chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền thân thiện; thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.