Phát triển lúa gạo đa giá trị
Kiên Giang là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn nhất cả nước, với tổng diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 700.000 ha, sản lượng thu hoạch hơn 4,4 triệu tấn/năm. Mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa đạt chuẩn quy trình thực hành nông nghiệp tốt, sản xuất hữu cơ, mã vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc được tỉnh tập trung thực hiện.
Tỉnh đã xây dựng trên 700 cánh đồng lớn, với trên 80.000 ha; gồm 27.000 ha lúa đạt chuẩn SRP, GloabalGAP, VietGAP phục vụ xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Mỹ, Malaysia, Singapore, Canada… Tỉnh đăng ký tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh ĐBSCL đến năm 2030, với diện tích 200.000 ha.
Tại Đồng Tháp, tỉnh cũng triển khai đề án, phấn đấu đạt diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao trong năm 2024 khoảng 20.000 ha từ vụ hè thu năm 2024, đến năm 2025 sẽ phát triển diện tích lên 50.000 ha và đến năm 2030 là 161.000 ha. Lúa gạo là một trong những ngành hàng trọng tâm của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Điền cho biết, diện tích sản xuất lúa mỗi năm của tỉnh dao động khoảng 480.000 - 500.000 ha, đạt sản lượng ước tính trên 3,3 triệu tấn. Hơn 2 tháng đầu năm 2024, tình hình sản xuất, tiêu thụ của ngành hàng lúa gạo ở Đồng Tháp tiếp tục có tín hiệu khả quan.
Cùng với việc quan tâm sản xuất theo hướng giống lúa chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, nông dân đã thực hiện các giải pháp giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, như áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, sạ hàng, sạ thưa; cơ giới hóa… Nhờ vậy, tỉnh được đánh giá là một trong những địa phương có giá thành sản xuất lúa thấp ở ĐBSCL. Đây là tiền đề để đề án 1 triệu ha trồng lúa chất lượng cao tại đất Chín Rồng thành công trong tương lai.
Xây dựng hình ảnh đẹp về lúa gạo Việt
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 đặt ra mục tiêu tăng trưởng tích hợp đa giá trị, gắn với mô hình tăng trưởng xanh, nông nghiệp tuần hoàn, theo chuỗi ngành hàng và khắc phục tính manh mún, nhỏ lẻ, tự phát trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo vùng ĐBSCL; đồng thời, tạo dựng hình ảnh ngành hàng lúa gạo Việt "minh bạch, trách nhiệm, bền vững".
Đồng hành cùng đề án, Ngân hàng Thế giới đánh giá cao Việt Nam như là mô hình cho chương trình lúa gạo thế giới về phát thải thấp. Việc thực hiện thành công đề án không thể đạt được nếu chỉ có các cơ quan Chính phủ, mà phải có sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân. Viện Nghiên cứu lúa quốc tế đã ký kết với Bộ NN&PTNT bản ghi nhớ về hợp tác dài hạn nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực lúa gạo; phối hợp với các tổ chức khoa học của Việt Nam nghiên cứu cải tiến các quy trình canh tác, đào tạo cán bộ cho Việt Nam.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, Việt Nam cần huy động các nguồn lực và tiến bộ kỹ thuật để thực hiện, đảm bảo đề án được triển khai trong niềm lạc quan của ngành hàng lúa gạo cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng.
Bên cạnh các nỗ lực từ phía các cơ quan Nhà nước trong việc phát triển các chính sách, tạo môi trường thuận lợi để phát triển nông nghiệp xanh và bền vững, ngành Nông nghiệp Việt Nam đang coi trọng vai trò tham gia, đồng hành của khu vực tư nhân, sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, các tổ chức quốc tế và khu vực, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia trong ngoài nước để sớm thực hiện thành công đề án.
"Đề án phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" sẽ được triển khai tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (trừ tỉnh Bến Tre), được triển khai theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (2024 - 2025) tập trung củng cố các diện tích đã có của dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000 hecta.
Giai đoạn 2 (2026 - 2030) xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài vùng dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 820.000 hecta.
Mục tiêu của đề án là giảm 20% chi phí đầu vào sản xuất lúa của các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng. Việc áp dụng các quy trình xử lý và tái chế phụ phẩm, xây dựng thương hiệu gạo phát thải thấp sẽ góp phần nâng cao giá trị toàn chuỗi lúa gạo trên 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%.