Đặt đúng tầm kinh tế hộ, tạo điều kiện nâng cấp các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp

Đánh giá về triển vọng của nền kinh tế năm mới 2019, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc không khỏi băn khoăn về mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 như Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ đề ra về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc. Ảnh: TTXVN

Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, giải pháp hiệu quả, đơn giản và nhận được sự đồng thuận của xã hội, giúp nâng cao tính minh bạch, cải thiện chất lượng tăng trưởng, môi trường đầu tư kinh doanh... là định danh đúng khái niệm doanh nghiệp cho các hộ kinh doanh.

Với những đóng góp ngày càng to lớn, khu vực kinh tế tư nhân đang khẳng định vai trò, vị thế của mình đối với nền kinh tế. Ông có bình luận gì về điều này?

Trong nhiều Nghị quyết của Đảng, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng được nhắc tới vai trò, vị thế với đóng góp hơn 40% GDP cho nền kinh tế. Số liệu thống kê được công bố gần đây cho thấy, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân còn cao hơn so với khu vực doanh nghiệp Nhà nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. 

Theo thông lệ quốc tế và trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, các nước trên thế giới chỉ phân biệt khu vực tư và khu vực công; trong đó, khu vực tư bao gồm cả trong nước và nước ngoài (FDI). Nếu như vậy khu vực tư nhân của Việt Nam hiện chiếm tới hơn 60% GDP.  Như vậy, đã đến lúc cần phải đặt lại quan niệm về khu vực doanh nghiệp; trong đó, khu vực tư nhân thực sự là động lực tăng trưởng chính, chứ không chỉ là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế như nhiều quan điểm trước đây.

Về dài hạn, triển vọng của khu vực kinh tế tư nhân sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và có tốc độ tăng trưởng nhanh, thậm chí nhanh nhất trong nền kinh tế. Do đó, không có lý do gì để không hướng tới và đặt ra mục tiêu đóng góp 50% đến 60% GDP cho khu vực này.  

Trong hơn 40% GDP mà khu vực kinh tế tư nhân đóng góp cho nền kinh tế thì chỉ có 8% là từ các doanh nghiệp chính danh, còn lại từ 5,2 triệu hộ kinh doanh. Như vậy, có nghịch lý không thưa ông? 

Đây quả là vấn đề đáng suy ngẫm. Lâu nay, chúng ta kêu gọi rất nhiều việc chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Thực tế cho thấy không chỉ các hộ kinh doanh mà chính quyền các cấp cơ sở dường như không mặn mà và quan tâm vấn đề này. Vì sao môi trường kinh doanh không được cải thiện tận gốc nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp? Có rất nhiều câu hỏi mà tôi tin là những người đứng đầu Chính phủ luôn trăn trở để làm sao hỗ trợ và phát triển cộng đồng doanh nghiệp "mạnh khỏe", "tài giỏi" và liêm chính. 

Tại sao lại có khái niệm hộ kinh doanh, đó là do luật định, chứ không đúng với bản chất kinh tế và cũng không tương đồng với thông lệ quốc tế. Hộ kinh doanh bản thân là 1 doanh nghiệp và là 1 loại hình doanh nghiệp. Nếu thay đổi quan niệm hộ kinh doanh là doanh nghiệp thì mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 hoàn toàn đạt được mà không khó khăn hay xa vời.

Với 5,2 triệu hộ kinh doanh đóng góp 32% GDP cho nền kinh tế như hiện nay và nếu chuyển thành doanh nghiệp, ngoài việc đạt mục tiêu như Nghị quyết 35 đề ra, nền kinh tế sẽ giải quyết hơn 10 triệu lao động có việc làm (ví như mỗi hộ kinh doanh chỉ có 2 lao động). Cùng với đó, việc chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ giúp các hộ kinh doanh nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và hàng hóa của mình, từ đó cải thiện năng lực cạnh tranh và từng bước hội nhập quốc tế.

Để thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, cần đơn giản hóa các thủ tục về thuế, chính sách kế toán; cắt giảm tối đa các điều kiện kinh doanh và hạn chế tối thiểu việc kiểm tra, thanh tra...Nếu thực hiện đồng bộ việc này sẽ giúp thúc đẩy tiến trình chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Đây chính là những việc cần phải làm ngay trong năm 2019. 

Dòng chảy chính của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là sự dịch chuyển các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Minh bạch hóa và quốc tế hóa khu vực các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chính là cách để tạo nên một cộng đồng doanh nghiệp đông về số lượng, chuẩn về chất lượng, đủ năng lực cạnh tranh và vươn ra toàn cầu.

Nếu so sánh với tỷ lệ 8% của doanh nghiệp tư nhân thì đóng góp 32% GDP của các hộ kinh doanh thực sự là con số không nhỏ. Do đó, theo tôi nên đặt đúng tầm quan trọng của kinh tế hộ và tạo điều kiện nâng cấp các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, cải thiện tính minh bạch và chất lượng tăng trưởng ở Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thạch Huê (lược ghi) (TTXVN)
Không nên bắt buộc mà phải để doanh nghiệp 'đua nhau' đầu tư vào nghiên cứu, phát triển
Không nên bắt buộc mà phải để doanh nghiệp 'đua nhau' đầu tư vào nghiên cứu, phát triển

Ngày 3/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm; đại diện Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã dự tọa đàm về định hướng và giải pháp để khoa học và công nghệ trở thành động lực trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN