Loạt dự án hợp tác công nghệ Việt Nam – Hoa Kỳ tiêu biểu như chuỗi cung ứng bán dẫn Amkor Technology (trụ sở tại Arizona) sẽ đặt nhà máy tại Bắc Ninh, đi vào hoạt động từ tháng 10/2023. Tổng mức đầu tư cho dự án này là 1,6 tỷ USD. Synopsys (trụ sở tại California) sẽ ra mắt một thiết kế bán dẫn và trung tâm ươm mầm sáng tạo hợp tác cùng Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Marvell (trụ sở tại California) cũng sẽ công bố việc xây dựng một trung tâm thiết kế bán dẫn đẳng cấp thế giới tại TP Hồ Chí Minh. Meta Platforms và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam công bố Thử thách sáng tạo Việt Nam, một chương trình nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong khối doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Về việc hợp tác mới trong lĩnh vực bán dẫn, Hoa Kỳ đánh giá cao vai trò tiềm năng của Việt Nam trong xây dựng chuỗi cung ứng bán dẫn và hai bên sẽ hợp tác với nhau để phát triển hệ sinh thái bán dẫn hiện tại của Việt Nam, cùng với hành lang pháp lý, nguồn nhân lực cũng như hạ tầng tương ứng.
Việc hợp tác lần này sẽ xây dựng các sáng kiến về phát triển nguồn nhân lực để hỗ trợ cho năng lực sản xuất bán dẫn tại Hoa Kỳ. Hai nước sẽ công bố các sáng kiến tổng hợp về phát triển nguồn nhân lực thông qua các khoá đào tạo về lắp ráp, kiểm thử, đóng gói bán dẫn. Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tài trợ ban đầu 2 triệu USD cho các sáng kiến này, cùng với các hỗ trợ trong tương lai từ Chính phủ và khối tư nhân Việt Nam.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết, FPT ủng hộ các chính sách toàn diện từ Chính phủ Hoa Kỳ để nuôi dưỡng hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam phát triển. Tập đoàn FPT cũng đề xuất Chính phủ đầu tư đào tạo từ 30.000 đến 50.000 chuyên gia bán dẫn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành, đồng thời cam kết nỗ lực góp phần vào mục tiêu.
FPT mong muốn Đại học FPT nhận được đầu tư để đào tạo kỹ sư chuyên về thiết kế chip bán dẫn và AI, nhằm nâng cao năng lực của lực lượng lao động trong các lĩnh vực quan trọng này.
Ông Trương Gia Bình khẳng định: “Đại diện doanh nghiệp Việt, FPT mong muốn Chính phủ Hoa Kỳ có các chính sách hỗ trợ toàn diện đưa Việt Nam trở thành quốc gia có hệ sinh thái bán dẫn (Semiconductor Ecosystem). FPT đề xuất Chính phủ Hoa Kỳ kêu gọi đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn như Boeing, AT&T, Qualcomm, Intel, Ford… Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý và cam kết đầu tư phát triển đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn khoảng 30.000 - 50.000 người”.
Trước đó, Đại học FPT vừa công bố thành lập Khoa Vi mạch bán dẫn, nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt tại Việt Nam. Khoa dự kiến đón lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024 với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, thực hiện nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.
Tập đoàn FPT công bố hợp tác chiến lược toàn diện với LandingAI - Công ty tiên phong trong lĩnh vực thị giác máy và trí tuệ nhân tạo tại Silicon Valley (Mỹ) nhằm đẩy nhanh quá trình đưa AI vào đào tạo tại hệ thống giáo dục FPT Education.