Sốc hơn nữa, với mức giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2, sau hàng chục vòng đấu giá khốc liệt, phiên đấu giá đã xác định được giá trúng cao nhất 133,3 triệu đồng/m2, tăng hơn 18 lần so với giá khởi điểm; giá trúng thấp nhất 91,3 triệu đồng/m2, tăng 12,5 lần giá khởi điểm. Dự kiến, tổng số tiền huyện thu được từ phiên đấu giá lần này đạt gần 190 tỷ đồng, chênh hơn 11 lần so giá khởi điểm.
Với 517 khách hàng tham gia, đăng ký 1.100 bộ hồ sơ, phiên đấu giá diễn ra vô cùng căng thẳng, hồi hộp và mệt mỏi đối với cả đơn vị tổ chức và người đấu giá. Được biết, lô đất có giá trúng cao nhất 133,3 triệu đồng/m2 là lô góc LK03-12, có hai mặt tiền, diện tích hơn 113,27m2; tiếp đó cũng là lô góc LK03-06, diện tích 115,95m2 trúng giá 127,3 triệu đồng/m2; lô góc LK04-01, diện tích 91,m2, trúng giá 121,3 triệu đồng/m2; lô LK04-06, diện tích 116,95, giá trúng 127,3 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, có lô xẻ khe như LK03-07 (91,67m2), trúng giá 127,3 triệu đồng/m2; LK04-09 (91,67m2) trúng 121,3 triệu đồng/m2; LK03-01 (92m2) trúng 109,3 triệu đồng/m2 hay lô giáp góc LK04-02 cũng 115,3 triệu đồng/m2. Những lô còn lại giá trúng từ 91,3 triệu đồng đến 103,3 triệu đồng/m2...
Ghi nhận tại Nhà thi đấu huyện Hoài Đức sáng ngày 19/8, từ 5- 6h sáng, hàng trăm người dân đã có mặt xếp hàng chờ đến thời gian làm thủ tục vào đấu giá. Trong đó, có nhóm người tham gia đấu giá nhiều lô đất, thậm chí đấu gần hết số lô đất khu LK04 được đem ra đấu giá lần này; một số nhóm đấu khoảng 4-5 lô.
Trước giờ diễn ra phiên đấu giá, một số người dân nhận định: Giá trúng dự kiến 60 - 70 triệu đồng/m2 là hợp lý, bởi ở những vị trí giáp mặt đường liên xã, thuận lợi di chuyển, giá trước đó vào khoảng 35-50 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, với mức giá trúng hàng trăm triệu đồng/m2 đã vượt xa dự kiến ban đầu của nhiều nhà đầu tư cũng như các môi giới bất động sản. "Thực sự quá sốc khi chỉ có 19 lô đất mà đấu giá kéo dài cả ngày đến rạng sáng hôm sau. Đặc biệt, khi giá trúng lên tới hàng trăm triệu đồng/m2; có lô cao nhất 133 triệu đồng/m2 ở huyện Hoài Đức là điều tôi không ngờ đến", anh Nguyễn Văn Hường, một người đầu tư đất chuyên nghiệp tại huyện Thạch Thất cho biết.
Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức cho hay, khu Lòng Khúc có phía Đông Bắc giáp đường giao thông trục thôn Tiền Lệ và Trường Mầm non Tiền Yên. Phía Nam và phía Đông giáp đất nông nghiệp của xã. Phía Tây giáp đất nông nghiệp và hồ nước.
Khoảng cách từ trung tâm Hà Nội đến UBND xã khoảng 20 km. Mặt thuận lợi nữa là đoạn Vành đai 4 đi qua huyện Hoài Đức sẽ dài tới 17,1km; trong đó, Tiền Yên là một trong 12 xã của huyện có tuyến đường này chạy qua.
Cũng theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức, giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2 được xác định theo quy định nhân hệ số điều chỉnh với giá trong bảng giá đất. Giá khởi điểm là cơ sở để xác định tiền cọc. Diện tích mỗi lô đất từ 74 - 118m2, khách hàng tham gia đấu giá phải đặt cọc từ 109 - 172 triệu đồng/lô đất. Đặc biệt, để ngăn chặn tình trạng người tham gia thông đồng hạ giá trúng xuống thấp, Phiên đấu giá quy định nhà đầu tư phải trải qua nhiều vòng trả giá, với mỗi bước giá tối thiểu 6 triệu đồng/m2.
Lãnh đạo huyện Hoài Đức khẳng định, huyện đã tổ chức triển khai dự án, xác định giá khởi điểm và tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở theo đúng theo quy định của pháp luật. Cuộc đấu giá được tổ chức trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan.
Cũng theo lãnh đạo huyện Hoài Đức, ngày 26/8 tới, huyện tiếp tục tổ chức đấu giá 20 lô đất còn lại ở khu Lòng Khúc, thuộc các lô LK01 và LK02. Giá khởi điểm vẫn là 7,3 triệu đồng/m2; diện tích dao động từ 89 - 145m2; đặt cóc trước từ 130 - 212 triệu đồng/thửa. Ngày 23/8 là hạn cuối cùng nộp hồ sơ tham gia đấu giá. Tổng khu đấu giá thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên có 71 lô, huyện chia làm 3 lần đấu giá.
Thời gian tới, cùng với sự sôi động của một số phiên đấu giá tại các huyện ngoại thành, ngày 8/9, UBND huyện Thanh Oai sẽ tổ chức đấu giá đợt 1 đối với 57 thửa đất tại khu vực Đầm, thôn Mục Xá, xã Cao Dương. Đây là 57 thửa đất dự kiến đấu giá vào ngày 17/8 vừa qua nhưng phải dừng đấu giá với lý do cần xác định giá khởi điểm của 114 thửa đất trên địa bàn xã Cao Dương theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội.
Công ty đấu giá hợp danh Việt Nam (đơn vị thay Công ty Trường Sơn) tổ chức buổi đấu giá này cho biết, giá khởi điểm của tất cả 57 thửa đất đều được điều chỉnh lên từ 8,8 triệu đồng, tăng thêm gần 800.000 đồng so với mức trước đây. Diện tích từ 74,63 - 134,69m2; tiền đặt trước cho các thửa đất dao động từ 131 triệu đến hơn 200 triệu đồng tuỳ diện tích và vị trí thửa đất. Thời gian nộp tiền cọc là 4 - 6/9.
Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai cho biết, phiên đấu giá ngày 17/8 được tạm dừng để xác định lại giá khởi điểm theo hệ số số điều chỉnh (K) là 2,35 theo quyết định 46 ban hành ngày 18/7 của UBND thành phố Hà Nội. Trước đó, mức giá khởi điểm được xây dựng theo hệ số K là 2, theo quy định cũ.
Huyện đã làm việc với các đơn vị thẩm định giá để có thể tổ chức lại các phiên đấu giá đất tại huyện Thanh Oai từ tháng 9. Tuy nhiên, mức giá khởi điểm không chênh lệch lớn bởi vẫn được tính trên cơ sở bảng giá đất 5 năm hiện hành của Hà Nội nhân với hệ số K trong bối cảnh thành phố vẫn chưa ban hành bảng giá đất mới hàng năm để sát với giá thị trường theo quy định của luật mới.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, huyện Thanh Oai sẽ tổ chức khoảng 5 phiên đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương để đầu tư cho hệ thống hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Trước đó, ngày 10/8, phiên đấu giá lô đất l tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai thu hút đến hơn 1.500 người tham gia. Nhu cầu lớn đã đẩy giá trúng của các lô đất gấp 6 - 8 lần giá khởi điểm, trong đó cao nhất hơn 100 triệu đồng/1m2. Ngay sau đó, nhiều lô đất đã được nhà đầu tư rao bán lại với mức giá chênh hàng trăm triệu đồng.
Trước tình trạng hàng nghìn người dân vất vả cả ngày đêm để tham gia đấu giá vài chục lô đất và đã "đẩy" giá trúng một số khu vực lên mức phi thực tế, các chuyên gia cho rằng, với giá khởi điểm thấp như hiện nay ở Hoài Đức hay Thanh Oai (chỉ tử hơn 7 triệu đồng đến 12,5 triệu đồng/1m2), trong khi tiền đặt cọc chỉ bằng 20% giá trị lô đất (tương ứng từ 100 triệu đến 200 triệu đồng) dẫn đến nhiều người trúng giá cao chấp nhận bỏ cọc nếu không bán được hàng sau khi trúng để hưởng chênh lệch.
Song, "bỏ con săn sắt, bắt con cá rô" - đây có thể là cơ hội cho chính các đối tượng đầu cơ chuyên nghiệp, môi giới đất hưởng lợi khi tạo được mặt bằng giá đất mới để bán được những lô đất lớn đang sở hữu…
Mới đây, tại Hội thảo về Luật Đất đai 2024 và các luật liên quan do Tạp chí Thương gia tổ chức hôm 15/8, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, từ cuối năm ngoái đến nay, nhiều phân khúc bất động sản tại Hà Nội liên tục tăng giá mạnh, đặc biệt căn hộ chung cư neo ở mức cao (đạt gần 60 triệu đồng/m2 và có xu hướng chững lại) khiến biên lợi nhuận đầu tư giảm mạnh. Đối với phân khúc thấp tầng tại các dự án nhà ở, khu đô thị hiện cũng ở ngưỡng vài trăm triệu đồng một m2. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư có nhu cầu chuyển dịch sang đất nền vùng ven đô, trong đó, đất đấu giá được quan tâm hơn. Đáng chú ý, khi các luật mới liên quan bất động sản có hiệu lực từ 1/8 siết chặt phân lô bán nền thì nhu cầu tìm đất ngoại ô trở nên sôi động. Hay thông tin một số huyện chuẩn bị lên quận vào năm 2025 đã tác động đến tâm lý của cả người dân và nhà đầu tư nên mới có cảnh hàng nghìn người đi đấu giá đất, trong khi nhiều phiên đấu giá cuối năm 2023 đìu hiu, thậm chí nhiều lô đất phải lùi thời gian đấu giá vì không đủ người tham gia.
Các chuyên gia dự báo, từ nay đến cuối năm, đất đấu giá tiếp tục sôi động khi bảng giá đất mới chưa được áp dụng, việc xác định giá khởi điểm áp dụng theo khung giá của Nhà nước hiện nay sẽ thấp hơn nhiều so với loại hình đất khác. Vì vậy, để tránh rủi ro trước sức "nóng" của đất đấu giá nói riêng và các phân khúc nhà đất nói chung do ảnh hưởng, hệ luỵ của nhiều yếu tố trên, người dân cần tỉnh táo trước khi xuống tiền đầu tư hoặc có nhu cầu ở thực.