Cung ứng thuốc bảo hiểm y tế:

Đấu thầu thế nào cho hiệu quả?

Theo báo cáo của Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), chi phí thuốc chiếm tới 61% tiền chi cho khám chữa bệnh BHYT năm 2010, tương đương gần 12 nghìn tỷ đồng.


Tuy nhiên việc lựa chọn thuốc, giá thuốc BHYT trong thời gian qua còn nhiều bất cập. Với cùng một hoạt chất, song các cơ sở khám chữa bệnh lựa chọn sử dụng nhiều thuốc thành phẩm khác nhau nên giá thành có khi chênh lệch nhiều lần. Cần giải pháp nào để việc cung ứng thuốc BHYT đạt chất lượng và hiệu quả là điều mà bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đang tìm lời giải.

Chênh lệch giá thuốc

Theo ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, hiện chi phí thuốc BHYT đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT, nhưng công tác quản lý giá thuốc lại chưa được tốt. Điều này được minh chứng qua sự chênh lệch giá thuốc giữa các cơ sở KCB, giữa các tỉnh, cho dù cùng một thuốc thành phẩm (cùng một tên thương mại, cùng một cơ sở sản xuất).

Ví dụ, giá thuốc Supercef (CefePim) 1g, bột pha tiêm tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Thống Nhất giá 120.000 đồng/lọ. Song cũng loại thuốc này, tại Bệnh viện TƯ Huế, Bệnh viện Nội Tiết TƯ giá lên tới 147.000 đồng/lọ, chênh lệch 23%.

Việc đấu thầu, cung ứng thuốc BHYT trong các cơ sở KCB hiện nay đang thực hiện theo Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BYT-BTC. Theo quy định này, các cơ sở KCB có trách nhiệm tổ chức đấu thầu mua thuốc, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời thuốc thiết yếu theo yêu cầu điều trị của các đối tượng người bệnh, kể cả người bệnh BHYT. Thế nhưng, sau 4 năm thực hiện cho thấy Thông tư này đã bộc lộ không ít bất cập.

Nhận thuốc chữa bệnh BHYT. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN



Theo Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), các quy định hướng dẫn về đấu thầu thuốc theo Thông tư mới chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn cách thức tổ chức thực hiện quy định một số nội dung trong quá trình tổ chức đấu thầu thuốc.


Trong khi đó, một số yếu tố có tính quyết định đến việc lựa chọn thuốc chất lượng với giá hợp lý trong hồ sơ mời thầu lại chưa được quy định chi tiết và thống nhất như các tiêu chí đánh giá năng lực nhà thầu; các tiêu chuẩn kỹ thuật đánh giá thuốc trúng thầu; các thông tin về thuốc do bên dự thầu cung cấp trong bảng giá thuốc chào dự thầu; các điều khoản ràng buộc của nhà thầu trúng thầu với cơ sở KCB trong quá trình cung ứng thuốc…

Thực tế tổ chức đấu thầu cung ứng thuốc tại các địa phương cũng cho thấy, còn không ít tồn tại. Cụ thể như các tiêu chí đánh giá lựa chọn thuốc trúng thầu còn phụ thuộc vào chủ quan của các địa phương, mỗi tỉnh sử dụng các tiêu chí riêng để xem xét, dẫn đến kết quả cuối cùng là thuốc được lựa chọn trúng thầu khác nhau và giá thuốc cũng rất khác nhau giữa các cơ sở KCB cũng như giữa các địa phương.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá thuốc trúng thầu cao hơn giá thuốc thị trường tại thời điểm đấu thầu trong thời gian qua là do cơ chế thanh toán tiền thuốc chậm, nợ tiền thuốc cho nên nhà cung ứng thuốc tham gia đấu thầu thường định giá dự thầu cao hơn so với giá thuốc thị trường để đảm bảo bù đắp chi phí vốn và dự phòng giá thuốc biến động trong thời gian hiệu lực của hợp đồng cung ứng thuốc.

Bên cạnh đó, việc thực hiện quy chế phối hợp giữa hai ngành Y tế và BHXH trong quá trình đấu thầu thuốc chưa phát huy hiệu quả do cơ quan BHXH chưa thật sự tham gia trong quá trình đấu thầu, lựa chọn thuốc thành phẩm; dẫn đến tình trạng chi phí thuốc BHYT ngày càng tăng tại các cơ sở KCB; đó cũng là hệ quả của sự bất hợp lý trong quá trình tổ chức đấu thầu cung ứng thuốc tại các địa phương…

Tìm lời giải nào

Ông Lê Bạch Hồng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh: “Việc tổ chức cung ứng thuốc và giá thuốc BHYT còn có nhiều bất cập, tồn tại. Trách nhiệm của hệ thống BHXH phải cùng các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường quản lý chi phí thuốc một cách hiệu quả”.

Ông Hồng cũng cho biết, sau nhiều cuộc họp, giải pháp cho cung ứng thuốc BHYT tại Việt Nam thường tập trung ở những vấn đề sau: Cần quy định rõ vai trò của cơ quan BHXH trong quá trình tổ chức đấu thầu thuốc của các cơ sở KCB; xây dựng ngân hàng dữ liệu thuốc thành phẩm thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT; thí điểm đấu thầu cung ứng một số thuốc được sử dụng phổ biến với số lượng lớn...

Đại diện Công ty Dược trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) cho biết, nhiều cơ sở KCB xây dựng tiêu chí kỹ thuật của thuốc theo thang điểm cho thuốc của các nước châu Âu, châu Á rồi cuối cùng mới đến Việt Nam. Điều này làm giảm cơ hội cung ứng thuốc Việt Nam (bao gồm cả các loại thuốc có đánh giá tương đương sinh học) cho các cơ sở y tế. Trước thực tế đó, Bidiphar có kiến nghị, quy chế đấu thầu thuốc cần bổ sung các quy định cụ thể hơn trong việc ưu tiên sử dụng thuốc Việt Nam sản xuất, nhằm giúp các DN sản xuất trong nước có cơ hội đầu tư phát triển tốt hơn.

Bên cạnh đó, theo Bidiphar, cơ quan BHXH cần có các chính sách hỗ trợ thanh toán cho các nhà cung ứng, ứng vốn trước cho các DN sản xuất có uy tín trong nước để phối hợp sản xuất và dự trữ đảm bảo bình ổn giá một số thuốc thiết yếu nhằm cung ứng kịp thời cho các bệnh viện.

Cùng ý kiến này, Công ty CP Hóa dược phẩm Mekophar cho rằng, cơ quan BHXH cần có những biện pháp hỗ trợ trong việc đấu thấu thuốc, ưu tiên thanh toán các sản phẩm trong nước theo tinh thần “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.


Còn đại diện Công ty CP Dược phẩm Trung ương I kiến nghị, BHXH cần có sự tư vấn để các đơn vị điều trị đưa ra các tiêu chí cụ thể về giá, chất lượng sản phẩm trong hồ sơ mời thầu, tuyên dương những đơn vị điều trị sử dụng thuốc chất lượng tốt, giá rẻ… Đặc biệt, nhiều ý kiến đề xuất nên thanh toán chi phí thuốc tập trung từ cơ quan BHXH trực tiếp cho đơn vị cung ứng thuốc để giảm bớt chi phí trong giá thành thuốc BHYT, tăng cường cơ chế kiểm soát của cơ quan BHXH đối với giá thuốc...

Theo ông Nguyễn Minh Thảo, đã đến lúc việc tổ chức đấu thầu thuốc cần có sự tham gia của phía BHXH. Việc BHXH Việt Nam chỉ đạo một số BHXH địa phương thống nhất với Sở Y tế xây dựng Đề án thí điểm đấu thầu cung ứng thuốc và thanh toán chi phí thuốc theo phương thức tập trung là để giải quyết những bất cập trong việc quản lý giá thuốc hiện nay, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng của quỹ BHYT. “Thực hiện việc này, BHXH mong muốn là một thành phần tham gia có trách nhiệm, chứ không phải “đứng ra” tổ chức đấu thầu như nhầm tưởng của nhiều người”, ông Thảo khẳng định.

Theo Đề án này thì BHXH các tỉnh sẽ phối hợp với Sở Y tế một số địa phương thí điểm triển khai đấu thầu, cung ứng thuốc, thanh toán chi phí thuốc tập trung và trực tiếp cho đơn vị cung ứng. Như vậy, bệnh viện công không còn được tự lập hội đồng đấu thầu thuốc nữa mà danh mục thuốc sẽ được Sở Y tế tập hợp lại. Sau đó các bệnh viện sẽ được Hội đồng đấu thầu cấp sở đứng ra duyệt đấu thầu tập trung.

Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh tiên phong triển khai phương thức đấu thầu tập trung, ông Nguyễn Sơn, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết, trước khi Thông tư số 10/2006 có hiệu lực thì từ những năm 2006, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức đấu thầu thuốc tập trung.


Việc đấu thầu thuốc tập trung đã khắc phục nhiều nhược điểm của hình thức riêng lẻ và mang lại hiệu quả. Trong đó, cái được lớn nhất là đảm bảo cung ứng kịp thời số thuốc và chất lượng cho công tác khám chữa bệnh trên địa bản.


Đặc biệt ổn định giá trong vòng 1 năm cho dù giá thuốc trên thị trường có biến động… Đánh giá việc làm này của Vĩnh Phúc, ông Đậu Xuân Cảnh, Chuyên viên cao cấp Văn phòng Chính phủ cho rằng, đã cải cách được thủ tục hành chính trong phương pháp thanh toán trực tiếp mà cuối cùng là chính người dân được hưởng lợi từ những phương thức này.

Hiếu Dũng

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN