Ông Hồ Sỹ Hùng - Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẳng định, Quốc hội, Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu tổng quát năm 2023 là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Khả năng chống chịu tốt của kinh tế Việt Nam năm 2022, đặc biệt là những hiệu chỉnh về chính sách và điều hành những tháng cuối năm 2022 về tiền tệ, tỷ giá, tín dụng, kiểm soát và nới chỉ số lạm phát năm 2023 lên không quá 4,5%… là rất cần thiết và sẽ tạo đà cho sự hồi phục nhanh hơn và phát triển trong thời gian tới của năm 2023.
Theo ông Hồ Sỹ Hùng, đà phục hồi năm 2022 sẽ tạo nền tảng, nguồn lực cho điều hành chính sách năm tới và đầu tư công có thể là cứu cánh. Khi kinh tế suy giảm thì tăng đầu tư công chính là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Nhất là trong điều kiện cụ thể hiện nay, khi mà dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều, dư địa của chính sách tài khóa còn tương đối tốt nhờ những nỗ lực để đảm bảo cân đối tài chính ngân sách thời gian qua, tỷ lệ nợ công, bội chi ở mức thấp so với trần quy định.
Do đó, với việc nới thêm các chỉ tiêu để mở rộng chính sách tài khóa, sẽ tăng thêm nguồn lực cho đầu tư công (chi đầu tư phát triển khoảng gần 730 nghìn tỷ, cao hơn 2022 được phân bổ là gần 530 nghìn tỷ).
Tuy nhiên, theo ông Hồ Sỹ Hùng, để nguồn lực này đạt hiệu quả cao nhất thì dòng vốn cho đầu tư công phải đi vào đúng hướng, đúng lĩnh vực, đúng tiến độ để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực. Còn ngược lại, nếu dòng vốn không đi vào đúng lĩnh vực, đúng tiến độ thì hiệu quả với tăng trưởng sẽ không như mong muốn, ngược lại còn có thể gây những bất ổn.
Bởi vậy, yêu cầu mở rộng chính sách tài khóa gắn với hiệu quả đầu tư công có ý nghĩa là phải gắn dòng vốn đó vào những lĩnh vực mang lại hiệu quả cho tăng trưởng.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, tháng 7/2022, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/7/2022 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Chỉ thị nêu rõ năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm 2021-2025, góp phần triển khai các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, nền kinh tế dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho rằng, xây dựng là lĩnh vực quan trọng, mang tính chiến lược, có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là một trong những nhân tố quan trọng quyết định quy mô, trình độ kỹ thuật với nền kinh tế.
Thời gian qua, giá trị sản xuất ngành xây dựng luôn có mức tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của đất nước. Ngành xây dựng cũng đã tham gia đóng góp các chương trình vào tái cơ cấu nền kinh tế như tái cơ cấu đầu tư công, tham gia vào 3 đột phá của nền kinh tế như đột phá về cơ sở hạ tầng.
Bộ Xây dựng đã có nhiều nỗ lực thực thi nhiều giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý đô thị. Diện mạo đô thị có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, cơ sở hạ tầng đô thị bước đầu đáp ứng nhu cầu sử dụng người dân, chất lượng hạ tầng đô thị được cải thiện.
Thị trường bất động sản có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và năng lực của các chủ thể tham gia thị trường. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá xây dựng được rà soát, hoàn thiện - Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho hay.
Hội thảo “Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023” là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp phân tích, nhìn nhận kết quả đã đạt được, đồng thời đưa ra các giải pháp vượt qua khó khăn, thách thức, tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội các năm tiếp theo.
Một trong những lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm là thị trường bất động sản. Ông Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận xét, năm 2022 còn nhiều khó khăn, vướng mắc và các thách thức vẫn còn kéo dài sang cả năm 2023.
Do đó, cần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bất động sản an toàn, an sinh xã hội. Ông Khôi đề xuất Chính phủ đang giao tổ công tác địa phương, chính quyền địa phương phải thống kê được những khó khăn vướng mắc tại các dự án. Từ đó, báo cáo lên Chính phủ, Quốc hội để nhanh chóng “vào cuộc” tháo gỡ.
Cùng đó, hiện nguồn vốn cũng đang khiến doanh nghiệp gặp khó thì nên tập trung vào dự án nhà ở thu nhập thấp, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để đưa dự án nhanh chóng đưa vào triển khai, cần có mặt bằng sạch, hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ, hoàn thiện và rút ngắn thủ tục thực hiện đầu tư.
Về phía doanh nghiệp cũng cần chủ động, thích ứng linh hoạt, giảm chi phí đầu vào để giảm giá bán... để tiếp cận được nhiều đối tượng, bán được sản phẩm nhiều hơn.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Viết Hải cho rằng, năm 2023, các lĩnh vực xây dựng nhà ở, nhà ở cho người có thu nhập thấp, công nhân, phát triển đô thị vẫn đem lại nguồn việc lớn cho doanh nghiệp xây dựng.
Hiện ngành xây dựng có tỷ trọng lớn đóng góp cho nền kinh tế. Nếu ngành xây dựng phát triển sẽ đem đến nhiều lợi ích cho các ngành khác nhau và liên quan. Nhưng lĩnh vực bất động sản đang khó khăn cũng kéo doanh nghiệp xây dựng vào tình trạng khó.
“Nhiều doanh nghiệp bất động sản phản ánh, họ không thể nào vượt qua khó khăn khi các khoản vay chỉ có hạn 3 đến 5 năm phải trả, trong khi biến cố bát ngờ lại dẫn đến những tình huống không thể lường trước” - ông Hải dẫn chứng.
Để giải quyết được vấn đề, theo ông Hải, cần sự hỗ trợ của nhà nước nhằm hướng tới mục tiêu đổi mới bộ mặt đô thị Việt Nam, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế... Các nhà đầu tư nhìn thấy toàn cảnh thị trường như là sự mất cân đối về cung cầu trong việc đưa ra các sản phẩm. Bản thân các nhà đầu tư cần đưa ra quyết định phù hợp hơn khi đưa sản phẩm ra thị trường, đem lại hiệu quả cao.