Đầu tư tuyến dẫn nước sông Đà: Cần 'chọn mặt gửi vàng' - Bài 1

Đường ống dẫn nước Sông Đà liên tiếp bị vỡ khiến khoảng 70 nghìn hộ dân phía Tây Thủ đô bị ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt. Mặc dù thời gian giải quyết sự cố ngày càng được rút ngắn tối đa với lực lượng ứng cứu 24/24 giờ nhưng việc vỡ đường ống này đến lần thứ 9 được dự báo sẽ còn tiếp diễn.

Các cơ quan chức năng đã cùng nhập cuộc và đều khẳng định phải gấp rút làm thêm tuyến ống mới, tránh phụ thuộc vào đường ống dẫn nước độc đạo duy nhất hiện nay của chủ đầu tư Vinaconex. Tuy nhiên, việc lựa chọn công nghệ cũng như nhà thầu đủ năng lực để xây dựng các tuyến ống mới trong thời gian tới cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng.


Không để một tuyến độc đạo

Liên tiếp trong những ngày gần đây, Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc họp để đưa ra giải pháp có nước sạch cấp cho các hộ dân. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định: "Hà Nội sẽ chủ động đầu tư tuyến ống khẩn cấp, còn Vinaconex tiếp tục nghiên cứu, đầu tư tuyến ống số 2 để nâng công suất đường ống cấp nước theo quy hoạch".

Thực tế cho thấy hiện tuyến dẫn nước từ Nhà máy nước Sông Đà về Thủ đô là độc đạo nên khi xảy ra sự cố là tê liệt toàn hệ thống này với sản lượng cung cấp chiếm tới 30% nguồn nước cung cấp cho toàn thành phố. Do đó, tác động và ảnh hưởng của tuyến dẫn nước này rất lớn. Nhưng sau tới 9 lần vỡ đường ống, đến thời điểm này không ai dám khẳng định sự cố đã được kiểm soát hay vẫn còn tiếp diễn.

Sự cố vỡ đường ống nước cũng làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân quanh khu vực tại Km 15 trên Đại lộ Thăng Long, đoạn thuộc địa phận huyện Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN


Bởi vậy, việc xây dựng khẩn cấp một tuyến ống mới như một giải pháp trước mắt để bảo đảm an toàn cấp nước cho thành phố Hà Nội. Sau này, khi có tuyến số 2 của Vinaconex thì cũng vẫn có thể sử dụng để truyền tải lượng nước dư thừa của Nhà máy nước sông Đà và sử dụng cho Nhà máy nước mặt sông Hồng đang chuẩn bị đầu tư. Việc đầu tư thêm tuyến ống mới hoàn toàn không lo chồng chéo và lãng phí.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, tuyến ống dẫn nước sông Đà dài 47 km. Trong đó, 20 km đầu từ nhà máy về đến quốc lộ 21 có địa hình ổn định nên không có sự cố. Cả 9 lần vỡ ống đều xảy ra ở đoạn chạy trên Đại lộ Thăng Long, do đó Hà Nội dự kiến làm khoảng 30 km ống mới từ quốc lộ 21 về đến Vành đai 3. Tuyến đường ống mới sẽ chạy nổi song song với tuyến đường ống cũ, nằm về phía Bắc Đại lộ Thăng Long và hoàn toàn nằm trong quy hoạch nước sạch của Thủ đô.

Sau khi hệ thống cấp nước sạch sông Đà được mở rộng, hoàn thiện giai đoạn 2, hệ thống đường ống này sẽ đấu nối với Nhà máy nước mặt sông Hồng. Tuyến đường nước mới do thành phố đầu tư sẽ chủ động cấp nước sạch cho 70.000 hộ dân với công suất 100.000m3 nước/ngày đêm, góp phần giảm tải cho đường ống nước sông Đà hiện nay (còn khoảng 200.000m3/ngày đêm).

Hiện vật liệu thi công có hai phương án được đề xuất là ống thép hoặc ống HDPE. Tuy nhiên, ông Lê Văn Dục cho rằng đường ống HDPE khả thi hơn bởi có khả năng chống ăn mòn chất lượng cao. Công nghệ đường ống nước HDPE được chế tạo ra từ polyethylene mật độ cao, có khả năng kháng khuẩn, đã sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới với độ bền cao hơn so với những loại ống nước khác.


Đường ống mới sau khi nghiệm thu sẽ bàn giao cho một đơn vị chuyên nghiệp khai thác quản lý và mua nước từ đầu ống dẫn nước của Vinaconex. Khi đó, Hà Nội chỉ mua nước của Vinaconex từ khu vực đường 21 thay vì từ đường vành đai 3 như trước đây.

Ước tính chi phí cho đoạn tuyến ống mới với độ dài gần 30km này là khoảng 1.000 tỷ đồng. Việc san tải cho tuyến ống mới được kỳ vọng sẽ hạn chế sự cố vỡ tuyến ống cũ của Vinaconex.

Tuy nhiên, do tuyến ống mới chỉ đảm bảo công suất dẫn 100.000m3/ngày đêm nên việc đầu tư hệ thống cấp nước giai đoạn 2 của Nhà máy nước Sông Đà vẫn cần được tiến hành để nâng công suất cấp nước lên 600.000m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.


Thu Hằng (còn tiếp)
Đầu tư tuyến dẫn nước sông Đà: Cần 'chọn mặt gửi vàng' - Bài cuối
Đầu tư tuyến dẫn nước sông Đà: Cần 'chọn mặt gửi vàng' - Bài cuối

Nhiều ý kiến cho rằng không nên giao toàn quyền cho chủ đầu tư “vừa đá bóng vừa thổi còi” như trường hợp của Vinaconex thời gian qua khiến chất lượng công trình không đảm bảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN