Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư nhất hiện nay, có thể kể đến hàng loạt quyết định, nghị định như: Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; Nghị định 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư; trong đó, quy định các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi gia súc gia cầm, bảo quản chế biến nông sản...là những lĩnh vực được ưu đãi đầu tư.
Ngoài ra, Nghị định 55/2015/NĐ-CP thay thế NĐ 41/2010/NĐ-CP về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp với nhiều chính sách ưu đãi như doanh nghiệp được vay không có tài sản bảo đảm 70% - 80% giá trị dự án theo mô hình liên kết với hình thức cho vay linh hoạt linh hoạt , giảm lãi suất cho vay 0,2%/năm nếu mua bảo hiểm...
Gần đây nhất, Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều thay đổi về cơ chế hỗ trợ, từ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền sang hình thức miễn tiền thuê đất, cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ đào tạo...
Cụ thể, doanh nghiệp có dự án nông nghiệp được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại dự án; miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đó sau khi được chuyển đổi. Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước trong 15 năm đầu đối với doanh nghiệp có dự án ưu đãi đầu tư.
Về tín dụng, doanh nghiệp có dự án nông nghiệp được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành với mức hỗ trợ lãi suất tối đa bằng 70% tổng mức đầu tư của dự án; thời gian hỗ trợ lên tới 8 năm. Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư được hỗ trợ 50% chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh; 50% kinh phí tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước, ngoài nước và nhiều hỗ trợ khác.
Riêng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng có nhiều chính sách ưu đãi được đưa ra như tài trợ toàn bộ chi phí cho các dự án nghiên cứu công nghệ cao, doanh nghiệp hoạt động trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng mức ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu…
Theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về chương trình cho vay ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch thì các doanh nghiệp được dùng tải sản hình thành từ vốn vay để làm tài sản đảm bảo, cơ cấu về thời hạn trả nợ cho vay được thay đổi...
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cho rằng, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hiện nay có nhiều nhưng nhìn chung những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp lại rất khó tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đó.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, trong các chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào nông nghiệp thì đối tượng được hỗ trợ là doanh nghiệp, trong khi đó người sản xuất nông nghiệp thường có quy mô nông hộ hoặc trang trại, rất ít doanh nghiệp. Do đó, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông dân, chủ các trang trại tổ chức lại sản xuất, cải tạo đất đai và tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư vào sản xuất lớn, từ đó mới hình thành các doanh nghiệp nông nghiệp lớn.
Liên quan tới vấn đề đất đai, nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu cứ hỗ trợ bằng miễn giảm tiền cho thuê đất của Nhà nước trong khi thực tế, quỹ đất công để cho thuê sản xuất nông nghiệp hầu như không có, doanh nghiệp, người sản xuất phải thuê đất tư nhân thì chính sách hỗ trợ “có cũng như không”.
Thay vào đó, để các cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp cận đất được thuận lợi cần đẩy nhanh tiến độ tích tụ và tập trung ruộng đất. Việc tích tụ ruộng đất không nên tiến hành theo kiểu thu hồi đất của nông dân rồi giao cho doanh nghiệp mà tiến hành dồn điền đổi thửa trên cơ chế hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân, khuyến khích nông dân góp vốn bằng ruộng đất vào doanh nghiệp hoặc tham gia các hợp tác xã để hình thành các cánh đồng lớn, ứng dụng được công nghệ và bảo đảm sản xuất đúng quy hoạch.
Về nguồn vốn, Tiến sĩ Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao cho rằng, để có nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, chỉ dựa vào các ngân hàng thương mại là chưa đủ mà phải đa dạng hóa nguồn vốn thông qua cơ chế thu hút các quỹ đầu tư, tổ chức, cá nhân, các loại hình doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Muốn vậy, nhà nước cần sớm xác lập quyền tài sản trên đất nông nghiệp, bao gồm cả nhà lưới, nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới tiêu…để doanh nghiệp có cơ sở vay vốn, mở rộng và nới các tiêu chuẩn để cơ sở sản xuất nông nghiệp tiếp cận được nguồn vốn.
Tựu trung lại, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao không thiếu nhưng để chính sách trở thành “bà đỡ” thực sự cho nông nghiệp công nghệ cao phát triển, các chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện cơ chế chính sách sao cho sát với thực tế, tạo điều kiện để không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả hộ sản xuất cũng được tiếp sức. Cụ thể, cần đơn giản hóa thủ tục cho vay vốn, cả thế chấp và tín chấp; hoàn thiện chính sách đất đai thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất để hợp tác, sản xuất lớn.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đồng nghĩa với việc sẽ tạo ra sản lượng nông sản lớn do đó song song với việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực phục vụ sản xuất, các cơ quan quản lý cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thị trường cho sản phẩm nông sản. Chỉ khi dự báo được nhu cầu thị trường thì việc tổ chức, quy hoạch sản xuất mới đảm bảo tính cân đối và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người làm nông nghiệp.