Đồng thời, Bạc Liêu đang thực hiện cánh đồng lớn gắn với bao tiêu lúa gạo đạt 100.000 ha gieo trồng lúa, với các giống lúa chủ lực như: Nàng hoa 9, Đài thơm 8, OM5451, RVT, Lộc trời 1, OM4900, Một bụi đỏ…; xây dựng vùng sản xuất lúa giống chất lượng cao, sạch bệnh quy mô 1.700ha.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly, trước mắt, tỉnh đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực là lúa gạo chất lượng cao và đặc sản; xây dựng các vùng sản xuất hữu cơ phù hợp với các sản phẩm chủ lực và tại các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh giữ ổn định diện tích đất chuyên trồng lúa nước 58.900ha ở Tiểu vùng giữ ngọt ổn định phía Bắc Quốc lộ 1A; mở rộng địa bàn sản xuất lúa trên đất tôm - lúa đạt từ 43.000 - 48.000 ha ở Tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A gắn với đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống công trình thủy lợi phân ranh mặn, ngọt; nạo vét hệ thống kênh mương bị bồi lắng; phát triển hệ thống trạm bơm điện vừa và nhỏ; từng bước thực hiện kiên cố hóa kênh mương (gia cố bờ kênh, xây dựng cống, đập, trạm bơm); phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao (lúa thơm, lúa đặc sản), lúa chịu mặn mang thương hiệu Bạc Liêu.
Cùng đó, Bạc Liêu xây dựng và phát triển thêm nhiều cánh đồng lớn nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hiệu quả và liên kết bao tiêu lúa gạo; xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao mang thương hiệu Bạc Liêu; xây dựng vùng sản xuất lúa giống chất lượng cao, kháng sâu bệnh, chống chịu được hạn hán, xâm nhập mặn; khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định về môi trường trong sử dụng vật tư và xử lý chất thải nông nghiệp; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm và sử dụng các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu cũng khẳng định tỉnh xây dựng hệ thống Hợp tác xã, Tổ hợp tác đủ lớn, đủ năng lực để hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất, đại diện cho nông dân liên kết với doanh nghiệp đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa toàn diện trong các khâu sản xuất (thu hoạch, bảo quản, nâng cao chất lượng nông sản, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và giảm chi phí giá thành sản xuất…); quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng những mô hình điểm hoàn chỉnh.
Mặt khác, khuyến khích các doanh nghiệp lớn có uy tín, đủ nguồn vốn đầu tư vật chất cho nông dân sản xuất, mở rộng diện tích bao tiêu và tiến dần đến sản xuất lúa VietGAP để làm cơ sở cho sản xuất lúa hữu cơ 10.000ha vào năm 2025; quản lý chặt chẽ tình hình cung ứng vật tư, đảm bảo chất lượng, bảo vệ quyền lợi người sử dụng yên tâm đầu tư sản xuất.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị UBND tỉnh bố trí nguồn vốn xây dựng mô hình điểm sản xuất lúa VietGAP, sản xuất lúa hữu cơ để làm cơ sở nhân rộng; giao chỉ tiêu cụ thể về xây dựng cánh đồng mẫu lớn, liên kết sản xuất, bao tiêu lúa gạo cho các địa phương; đặt hàng với các Viện, trường nâng cao chất lượng lúa giống đặc sản địa phương, chọn tạo các giống lúa thơm, chất lượng cao thích ứng với các điều kiện sản xuất của tỉnh và biến đổi khí hậu, phục vụ sản xuất theo chuỗi…