Đây là diễn đàn thuộc Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) do Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện.
Ông Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, theo tính toán, ở Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi héc ta lúa tham gia “cánh đồng lớn” có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-15%, sản lượng tăng từ 20-25%, thu lãi thêm 2,2-7,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, hiện nay việc hợp tác, liên kết sản xuất lúa nói chung và "cánh đồng lớn" nói riêng ở nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức nên chưa thu hút hộ nông dân tự nguyện tham gia; đầu ra hạt lúa chưa thật sự ổn định. Hơn nữa, việc liên kết tiêu thụ lúa giữa doanh nghiệp với nông dân còn lỏng lẻo, chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh...
“Thông qua diễn đàn, chúng tôi mong muốn xác định đâu là các nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan của vấn đề trên, đồng thời tìm ra được các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị, tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao thu nhập cho người nông dân và hướng đến một nền nông nghiệp bền vững”, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, để việc hợp tác, liên kết sản xuất lúa thêm hiệu quả và bền vững, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu giống lúa sao cho phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các địa phương cần tiếp tục phát triển các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô lớn; khuyến khích sản xuất lúa sạch, hữu cơ; gắn với chế biến tiêu thụ và xây dựng thương hiệu lúa gạo nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Một số doanh nghiệp phản ánh, mô hình “cánh đồng lớn” là mô hình tối ưu nhất cho mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân nhưng hiện nay khó nhân rộng do thiếu vốn. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ, với khả năng của công ty có khả năng liên kết sản xuất lúa khoảng 23.000 ha. Tuy nhiên, hiện nay Trung An vẫn thiếu vốn để làm được điều đó.
“Vì sao mô hình cánh đồng liên kết cần thiết và hiệu quả như vậy nhưng lại không mở rộng diện tích được?” – ông Bình nêu câu hỏi và cho rằng lý do nằm ở doanh nghiệp xuất khẩu gạo không có vốn để thực hiện mô hình cánh đồng liên kết.
Theo ông Bình, khi đã không liên kết thì việc doanh nghiệp tranh mua tranh bán để xoay vòng vốn là lẽ đương nhiên phải xảy ra.
Tổng Giám đốc Công ty Trung An đã đề nghị Nhà nước tập trung đầu tư và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để mô hình này tiếp tục lan tỏa và phát huy hiệu quả trong thời gian tới. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nòng cốt được ngân hàng cho vay đủ vốn để đầu tư xây dựng cánh đồng lớn liên kết theo từng dự án được các tỉnh, thành phố phê duyệt dựa trên các tiêu chí, quy định của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2018, các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị dần trở nên phổ biến. Qua thống kê, cả nước có 6.800 mô hình với khoảng 1 triệu ha diện tích liên kết. Nổi bật là mô hình “cánh đồng lớn” trên cây lúa diện tích hơn 516.000 ha, với 619.000 hộ tham gia. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, “cánh đồng lớn” liên kết sản xuất lúa có khoảng 0.000 ha, chiếm 9,2% diện tích gieo trồng lúa của vùng.