Hội nghị là hoạt động nằm trong khuôn khổ "Hội chợ thương mại kinh tế biên giới Trung Việt (Hà Khẩu) lần thứ 20 năm 2020" do Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, UBND thành phố Lào Cai, Cục thương vụ Châu tự trị dân tộc Hà Nhì, Di Hồng Hà, tỉnh Vân Nam và Chính quyền nhân dân huyện tự trị dân tộc Dao Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) phối hợp tổ chức.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết, để tiếp tục phát huy vai trò kết nối giao thương, thúc đẩy hoạt động thương mại qua biên giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Lào Cai sẽ phối hợp với chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) triển khai khảo sát, đánh giá thực trạng, thực hiện báo cáo Chính phủ hai nước thống nhất thời gian đóng, mở cặp cửa khẩu Quốc tể đường bộ số 2 Kim Thành - Bắc Son đến 22h00 (giờ Việt Nam) và 23h00 (giờ Trung Quốc). Trong thời gian chờ Chính phủ hai nước chính thức phê duyệt, hai bên tái thực hiện thí điểm kéo dài thời gian thông quan tại cặp cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành - Bắc Sơn đến 22h00 (giờ Việt Nam) và 23h00 (giờ Trung Quốc) hàng ngày đối với các mặt hàng nông, thủy sản.
Đồng thời, hai bên sẽ triển khai thiết lập các khu (điểm) chợ, trước mắt là khu (điểm) chợ biên giới Kim Thành (Lào Cai - Việt Nam) - Bắc Sơn (Hà Khẩu, Trung Quốc). Tiếp tục phối hợp khảo sát địa điểm nhằm thiết lập các cặp chợ Bản Quẩn - Sơn Yêu và các cặp chợ biên giới giữa huyện Bát Xát (Việt Nam) với huyện Kim Bình (Trung Quốc), giữa huyện Si Ma Cai, Mường Khương (Việt Nam) với huyện Mã Quan (Trung Quốc).
Lào Cai sẽ tiếp tục đề nghị tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) quan tâm đưa cửa khẩu Quốc tế đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu vào danh mục các cửa khẩu chỉ định được phép nhập khẩu nông sản, trái cây từ Việt Nam. Đặc biệt, đề nghị tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) báo cáo cơ quan có thẩm quyền bổ sung danh mục các mặt hàng trái cây của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc như: sầu riêng, hồ tiêu, chanh, ớt... nhằm nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu.
Để cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Lào Cai chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đưa hàng lên khu vực cửa khẩu, tránh những thiệt hại, rủi ro trong kinh doanh, ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai đã thông tin một số chính sách liên quan đến hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc và một số nội dung mới liên quan đến công tác phòng, chống dịch của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong thời gian qua.
Theo đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên phía Trung Quốc siết chặt các hiện pháp kiểm dịch đối với người và hàng hóa qua biên giới nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Cụ thể, phía bạn áp dụng quản lý ngày càng chặt chẽ việc nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam thông quan, tăng cường công tác quản lý hàng hóa được thực hiện dưới hình thức biên mậu, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch kiểm nghiệm và truy xuất nguồn ngốc, bao bì, nhãn mác, giấy chứng nhận đối với nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc.
Trong thời gian dịch bệnh, phía bạn tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch lây lan qua cửa khẩu nên công tác quản lý người và phương tiện thông quan rất chặt chẽ thông qua nhiều hình thức khác nhau, theo từng thời điểm như: Người điều khiển phương tiện chở hàng qua cửa khẩu phải đi về trong ngày, nếu không về phải thực hiện cách ly 14 ngày; người điều khiển phương tiện phải là người địa phương biên giới (của tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam) mới được nhập cảnh; người điều khiển phương tiện chở hàng hóa phải bàn giao cho đội lái xe chuyên trách để đưa hàng hóa vào trong nội địa (hiện nay đang áp dụng biện pháp này).
Ngày 18/10/2020, tại Tân Cương, Trung Quốc phát hiện ca nhiễm mới liên quan đến COVID-19 nên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Vân Nam chỉ đạo quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh trên tuyến biên giới và tiếp tục thực hiện theo phương án sử dụng đội lái xe trung chuyển tại khu vực cửa khẩu Quốc tế đường bộ Kim Thành - Bắc Sơn để vận chuyển hàng hóa vào trong nội địa.
Hội nghị cũng đã cung cấp thêm một số thông tin về chính sách xuất nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc. Về hình thức xuất khẩu, ở lĩnh vực thương mại quốc tế thông thường, các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi thực hiện theo Hiệp định mậu dịch tự đo ASEAN - Trung Quốc (hiện nay đa phần nông, thủy sản xuất khẩu vào Trung Quốc áp dụng mức thuế 0%) nếu hoàn tất thủ tục hồ sơ, trong đó có Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) theo mẫu E.
Ở lĩnh vực thương mại biên giới, nếu xuất khẩu theo hình thức này qua các cửa khẩu của địa phương (thuộc các tỉnh giáp biên Trung Quốc, không phải cửa khẩu quốc tế) sẽ áp dụng cơ chế riêng, doanh nghiệp nhập khẩu không phải nộp VAT mà chỉ đóng phí theo quy định của địa phương. Chính phủ Trung Quốc quy định xuất khẩu theo hình thức này vẫn phải thông qua các bước kiểm dịch, kiểm nghiệm, kiểm tra hải quan như thương mại quốc tế thông thường.
Ngoài ra, đối với chính sách trao đổi cư dân biên giới, cư dân trong khu vực biên giới phía Trung Quốc được miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT khi tiến hành trao đổi hàng hóa không vượt quá số tiền 8.000 NDT/người/ngày (tương đương 28 triệu đồng).
Về chính sách thuế, phí, lệ phí, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể áp dụng "Hiệp định thương mại tự do" để thực hiện. Trong đó, hầu hết thuế nhập khẩu đều bằng 0%. Tuy nhiên, giữa Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới đất liền khá dài và thuận lợi nên chủ yếu là thương mại biên giới. Vì vậy, hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới chỉ thu phí, không thu thuế.