Để khởi công 4 công trình lưới điện và chuẩn bị đầu tư 37 công trình khác từ 220-500kV để cung cấp điện cho miền Nam khó khăn lớn nhất là giải phóng mặt bằng. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN |
Theo đánh giá của SPMB, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ các công trình. Đặc biệt là công tác thẩm định giá ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện rất chậm ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt phương án bồi thường. Trong khi đó, chi phí hoạt động giải phóng mặt bằng hiện nay không đảm bảo để thực hiện công tác này. Các công trình đều hết chi phí trước khi nghiệm thu đóng điện vận hành phải sử dụng tạm từ chi phí các công trình lân cận.
Ngoài ra, theo SPMB, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn kể cả trong nội bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia ( EVN NPT ) chưa quy định rõ loại nhà và vật kiến trúc nào phải di dời, không phân biệt rõ loại nhà và công trình nào có người dân thường xuyên sinh sống và khi nghiệm thu chỉ theo cảm tính của cán bộ quản lý vận hành nên hầu hết các loại công trình phụ như chuồng trại chăn nuôi, chòi giữ vườn, nhà kho, trại ghe…. đều phải di dời (cấp điện áp 500kV) và phải hỗ trợ, cải tạo (cấp điện áp 220kV). Do vậy làm cho chi phí giải phóng mặt bằng hành lang rất lớn, rất phức tạp và khó thực hiện.
Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho đơn vị xây lắp từ nay cho đến những năm tới, SPMB đã kiến nghị (EVN) xem xét tạo cơ chế về kinh phí trong hoạt động bồi thường giải phóng mặt bằng (không tính trong chi phí quản lý dự án được trích theo tỷ lệ quy định). Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách bồi thường giải toả, hiện tượng nhiễm điện, thông số kỹ thuật về đường dây, từ trường trong hành lang an toàn đường dây… để có cơ sở giải thích cho các hộ dân hiểu, thông cảm và đồng thuận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, c ó chính sách đào tạo dài hạn cán bộ làm công tác bồi thường để từng bước xây dựng đội ngũ chuyên viên làm công tác bồi thường có tâm huyết, nhiệt tình và được trang bị đầy đủ kiến thức lý luận trong lĩnh vực bồi thường giải phóng mặt bằng, chính sách pháp luật, các môn học liên quan đến công tác xã hội, tâm lý học, nghệ thuật giao tiếp, thuyết phục, Luật … và quản lý hồ sơ theo chất lượng ISO….
Do đặc thù các công trình điện theo dạng tuyến nên việc thực hiện công tác cưỡng chế chỉ thực hiện đối với các trường hợp có thu hồi đất tại các vị trí móng trụ. Mặc khác đất, tài sản (nhà, công trình) trong hành lang an toàn lưới điện không thực hiện công tác thu hồi đất nên không thể tổ chức cưỡng chế bàn giao mặt bằng được nếu hộ dân không đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ mà chỉ hỗ trợ lực lượng của địa phương để bảo vệ hiện trường, bảo vệ an ninh trật tự, thành lập các đoàn vận động…
Trong khi đó, theo Thông tư 74/2015/TT-BTC chỉ hướng dẫn việc lập dự toán và chi cho công tác cưỡng chế khi có thu hồi đất mà không hướng dẫn thực hiện chi cho công tác hỗ trợ, bảo vệ thi công kéo dây. Vì vậy SPMB kiến nghị (EVN NPT) xem xét đưa chi phí hỗ trợ lực lượng bảo vệ thi công kéo dây, chi phí cho công tác vận động tháo dỡ vào chi phí thực hiện bồi thường.
Đối với cơ chế chính sách nhà nước và hoạt động của chính quyền địa phương, Theo SPMB, c ác địa phương phải có biện pháp quản lý chặt chẽ tình hình biến động về đất đai và thường xuyên cập nhật qui hoạch dự án trên địa bàn, xác định thống nhất quy hoạch giữa các ngành, các cấp thẩm quyền để đảm bảo các dự án ngành điện đầu tư trên địa bàn không chồng lấn với các dự án tại địa phương. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ phê duyệt chính sách giá đất tại địa phương. Thống nhất ngay từ đầu chủ trương, chính sách và đơn giá bồi thường khi triển khai dự án, tránh bổ sung nhiều lần chính sách bồi thường khiến người dân thắc mắc và kiếm cớ khiếu nại khiếu kiện.
Đối với công trình dạng tuyến qua nhiều địa phương, SPMB cũng đề nghị UBND các tỉnh phân cấp cho UBND quận, huyện phê duyệt phương án bồi thường để đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng ; Bố trí và tăng cường đủ nhân sự thực hiện công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng tất cả dự án trên địa bàn, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.
Mặt khác, các địa phương cũng bổ sung các biện pháp chế tài và hình thức xử phạt vi phạm hành chính vào Nghị định có liên quan đến giải phóng mặt bằng đối với trường hợp các hộ dân hoặc tổ chức có đất và công trình nhà cửa vật kiến trúc bị ảnh hưởng trong hành lang an toàn không tháo dỡ hoặc không cải tạo để địa phương có cơ sở tổ chức lực lượng bảo vệ cho đơn vị xây lắp thi công.
Đối với việc đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất, ông Đoàn Tấn Phong, Giám đốc SPMB cho rằng cần có văn bản hướng dẫn thực hiện đồng bộ giữa ngành Điện và ngành Nông nghiệp vì liên quan rất lớn đến công tác và chi phí bồi thường, hỗ trợ và cải tạo, tiếp địa nhà cửa, vật kiến trúc trong hành lang an toàn đối với cấp điện áp 220kV.