Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Trần Út cho biết: Tỉnh đã quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh với diện tích 15.567 héc ta. Ngoài ra, tỉnh đang nghiên cứu trồng di thực sâm Ngọc Linh ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng, phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh. Các công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây sâm Ngọc Linh cũng được Quảng Nam rất quan tâm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, tỉnh dự kiến ngày 15/10/2022 sẽ có đề cương Đề án hình thành Trung tâm Công nghiệp dược liệu Quảng Nam. Đề án tập trung vào việc phải xây dựng được cơ chế để đem lại sức bật cho doanh nghiệp và người dân.
"Có rất nhiều cơ chế ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển công nghiệp dược liệu, đặc biệt với sâm Ngọc Linh. Cùng với đó, logistics và cảng biển tại Quảng Nam là điều kiện phát triển thuận lợi đối với doanh nghiệp", ông Bửu nhấn mạnh
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, chủ trương xây dựng Đề án hình thành Trung tâm Công nghiệp dược liệu Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng đề án còn khá chậm, do đó Quảng Nam cần đẩy nhanh hơn.
Trong khuôn khổ cuộc làm việc, Đoàn công tác Bộ Y tế cũng đánh giá tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở vay vốn nước ngoài (Chương trình ADB). Chương trình ADB tại Quảng Nam được khởi động từ năm 2017 gồm 2 hợp phần. Hợp phần thứ nhất của chương trình là đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị cho 37 trạm y tế xã với kinh phí 97 triệu USD (trong đó 88,6 triệu USD vốn vay ODA và 8,4 triệu USD vốn đối ứng của các tỉnh tham gia chương trình). Hợp phần 2 là tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở nhằm đổi mới dịch vụ y tế với kinh phí 13,6 triệu USD, bao gồm 12 triệu USD vốn ODA không hoàn lại và 1,6 triệu USD vốn đối ứng của Bộ Y tế cùng 6 tỉnh tham gia chương trình.
Cũng trong ngày 3/10, Đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại Nhà máy chế biến dược liệu của Sâm Sâm Group thuộc Khu công nghiệp Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Là doanh nghiệp chuyên nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống, phát triển vùng trồng và chiết xuất, chế biến các sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh, Sâm Sâm Group đã phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) với tổng diện tích 200 ha, hiện tại đã trồng được 500.000 cây. Sâm Sâm Group đã nghiên cứu và chế xuất thành công hơn 10 loại sản phẩm dược liệu có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh. Tại huyện Nam Giang, doanh nghiệp đang phát triển vùng dược liệu 100ha bao gồm các loại cây như Đinh lăng, Ba Kích tím, Sa nhân tím, Mật nhân và một số loại dược liệu phụ trợ khác với tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.
Vùng trồng sâm Ngọc Linh và cây dược liệu của Sâm Sâm Group được xây dựng theo các tiêu chuẩn GACP-WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới), đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc cây sâm Ngọc Linh và cây dược liệu do doanh nghiệp trồng.