Để cánh đồng mẫu lớn cho thu nhập lớn

Các mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã hình thành và phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao tại Bình Định nhưng chưa thật sự bền vững.

Hiệu quả cao

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết: Kể từ năm 2011 trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thành công 1 mô hình sản xuất CĐML và đến vụ sản xuất đông - xuân 2014 - 2015, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và các HTX nông nghiệp mở rộng xây dựng 226 CĐML với tổng diện tích trên 10.050 ha và thu hút gần 57.000 lượt hộ nông dân tham gia và lợi nhuận đạt trung bình trên 23,65 triệu đồng/ha, tăng trên 3,75 triệu đồng so với sản xuất ngoài mô hình. 

Mô hình CĐML không chỉ phát triển ở các xã đồng bằng mà còn được nhân rộng lên các huyện miền núi như: An Lão, Vân Canh và Vĩnh Thạnh. Việc xây dựng các mô hình CĐML không chỉ dừng lại ở cây lúa, mà còn phát triển sang các cây khác như lạc, ngô và mía cũng đưa lại hiệu quả kinh tế gấp đôi so với ngoài mô hình. Nhờ vậy, năm 2014 đã góp phần đưa tổng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản của tỉnh đạt trên 6.188 tỷ đồng, tăng 6,9%; trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 3.957 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ 2013.

Máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng mẫu lớn tại xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.



Ông Bùi Quốc Nhị, Bí thư Đảng ủy xã Cát Trinh, huyện Phù Cát đánh giá: Việc triển khai xây dựng mô hình CĐML trên địa bàn xã đã đưa lại hiệu quả kinh tế của nông dân cao hơn nhiều so với phương thức sản xuất “manh mún” và mạnh ai nấy làm như trước đây.

Giải pháp lâu dài

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì việc xây dựng các CĐML còn bộc lộ những khó khăn không nhỏ. Đó là diện tích xây dựng mô hình còn nhỏ (từ 20 - 50 ha) trên một cánh đồng. Riêng ở miền núi chỉ có diện tích từ 10 - 15 ha/cánh đồng. Nguyên nhân chính là do đặc điểm đồng ruộng của tỉnh chưa đồng nhất, năng lực và nhận thức của nông dân cũng không đồng đều. Vì vậy trong quá trình chăm sóc một số diện tích chưa đạt yêu cầu thực hiện qui trình kỹ thuật canh tác nên đã ảnh hưởng đến năng suất chung. Một số chính quyền địa phương và các hội đoàn thể chưa thực sự vào cuộc và còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào ngành nông nghiệp, cán bộ kỹ thuật, nên thiếu chủ động trong phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp và chưa thực sự xem trọng vai trò hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật thông qua các CĐML cho nông dân.

Đặc biệt sự tham gia, vai trò của các doanh nghiệp trong liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn còn hạn chế, còn ít các doanh nghiệp thực sự có tiềm lực và khả năng tham gia ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân; mối liên kết giữa nông dân và nhà doanh nghiệp chưa tốt, nhất là các mô hình hỗ trợ giống, không bao tiêu sản phẩm và nhiều doanh nghiệp không thường xuyên bám sát đồng ruộng cùng nông dân. Mặt khác, khi có quá nhiều doanh nghiệp cùng phối hợp trên cánh đồng, thì việc triển khai các qui trình sản xuất không đồng nhất, khó cho nông dân thực hiện. Ngược lại có nơi nông dân phá vỡ hợp đồng bán sản phẩm cho doanh nghiệp.

Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để tiếp tục triển khai có hiệu quả mô hình CĐML, bảo đảm quyền lợi cho nông dân và doanh nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện một số giải pháp chính như: Tập trung xây dựng CĐML gắn với chuỗi sản xuất và thị trường tiêu thụ các loại cây lúa giống, ngô, lạc... gắn với doanh nghiệp thu mua sản phẩm, chế biến nguyên liệu cho thức ăn gia súc và các doanh nghiệp cung ứng đầu vào như phân bón, giống và thuốc bảo vệ thực vật; Cân đối nguồn kinh phí, để chủ động xây dựng các CĐML đã xác định được hiệu quả như mô hình sản xuất thâm canh cây lúa, nhân giống lúa, thâm canh lạc, ngô và đặc biệt ưu tiên mô hình chuyển đổi sang cây trồng cạn.

Các huyện, thị xã và thành phố xây dựng qui mô, tiêu chí cụ thể cho CĐML phù hợp với điều kiện đất đai của từng địa phương nhằm phát huy được thế mạnh từng vùng, đảm bảo tính hiệu quả, bền vững. Tỉnh Bình Định cũng chủ động kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu chuyển giao và tham gia thực hiện các dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ vay vốn, tư vấn tập huấn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, cũng như giới thiệu thử nghiệm các giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới trên CĐML. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ chuyên môn, cán bộ kỹ thuật giúp cho các vùng còn khó khăn triển khai thực hiện Đề án “Dồn điền đổi thửa”.

Bài, ảnh: Viết Ý
Làm giàu từ cánh đồng mẫu lớn  ở Tây Nam Bộ
Làm giàu từ cánh đồng mẫu lớn ở Tây Nam Bộ

Có thể nói, đời sống của đại bộ phận nông dân vùng Tây Nam Bộ chủ yếu trông chờ vào cây lúa. Chính vì vậy, những năm gần đây, đã có rất nhiều chính sách của Nhà nước tập trung ưu tiên đầu tư cho vùng, đời sống của người dân dần được cải thiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN