Hơn nữa, xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn, đồng thời giúp doanh nghiệp và nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này. Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm để “hương sầu riêng” thực sự bay xa.
Những tín hiệu vui
Ông Đoàn Thanh Hải, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc có vườn sầu riêng khoảng 1 ha, sản lượng năm nay ước đạt khoảng 20 tấn. Với giá bán tại vườn thời điểm này khoảng 80.000 đồng/kg sẽ đem về cho ông Hải khoảng 1,6 tỷ đồng trong vụ sầu riêng năm 2022. Nhẩm tính, sau khi trừ mọi chi phí đầu tư, gia đình ông cũng thu về cả tỷ đồng - đây là mức thu nhập đáng mơ ước của những người làm nông nghiệp.
Ông Hải chia sẻ, những năm gần đây, vườn sầu riêng đã được gia đình canh tác hoàn toàn theo hướng hữu cơ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Từng giai đoạn phát triển của cây đều được ghi chép nhật ký đầy đủ. Tất cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dùng để chăm bón vườn cây được ông ủ từ các nguyên liệu tự nhiên như tỏi, ớt, chuối, dứa...
Khi sản phẩm sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc, ông Hải cũng như nhiều nông hộ trồng sầu riêng tại huyện Krông Pắc rất phấn khởi. “Bà con nông dân trông chờ vào thời điểm này nhiều năm nay. Giá sầu riêng tăng vọt thu nhập của bà con cũng tốt hơn, hy vọng việc xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp giá cả sẽ tăng lên trong các vụ tới”, ông Hải cho hay.
Còn với ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Cây ăn trái Krông Pắc, việc xuất khẩu những trái sầu riêng tươi chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc là điều ông vui hơn cả Tết. Bởi chính ông là một trong những nông dân đầu tiên ở “thủ phủ” sầu riêng Dona “đi tắt đón đầu” đứng ra vận động thành lập hợp tác xã để liên kết nông dân trồng sầu riêng; đồng thời hướng dẫn các xã viên thực hiện việc sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP; thu thập thông tin, mã hóa thông tin vườn cây để làm truy xuất nguồn gốc cho trái sầu riêng.
Thành quả của ngày hôm nay là, trong số 23 mã vùng trồng của huyện Krông Pắc được cấp để xuất khẩu chính ngạch thì có đến 16 mã của hợp tác xã quản lý, với hơn 1.000 ha. Hiệu ứng của việc xuất khẩu chính ngạch là giá sầu riêng mà các doanh nghiệp, thương lái mua của bà con đã tăng vọt so với mùa vụ năm ngoái.
Việc đàm phán để xuất khẩu sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc mới chỉ là thành công bước đầu. Để hương sầu riêng Đắk Lắk nói riêng và của Việt Nam nói chung bay xa, để tất cả cùng thắng thì còn rất nhiều việc phải làm.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Cây ăn trái Krông Pắc, điều quan trọng trước mắt là làm sao phải giữ được diện tích đã được cấp mã số vùng trồng đã có và tiếp tục mở rộng diện tích được cấp mã vùng trồng mới. Nếu không quản lý tốt mã vùng trồng, để doanh nghiệp lợi dụng, làm ăn “chụp giật” xuất khẩu quá số lượng cho phép, hay mang hàng từ nơi khác trộn vào thì rất dễ bị đổ bể, bị xóa mã số vùng trồng nếu phía nước bạn tiến hành hậu kiểm.
Thực tế, vừa rồi đã có doanh nghiệp “ăn cắp” mã vùng trồng (mã 71) của hợp tác xã để xuất khẩu. Mã số vùng trồng là tài sản chung của bà con nông dân, xã viên hợp tác xã. “Vì vậy, ngoài sự nỗ lực sản xuất theo tiêu chuẩn của bà con xã viên hợp tác xã thì các cơ quan chức năng cần phải làm quyết liệt kiểm soát vấn đề này, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu phải làm ăn có tâm ”, ông Tuấn trăn trở.
Siết chặt hậu kiểm
Đến nay, diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk trên 15 nghìn ha, là tỉnh có diện tích sầu riêng lớn thứ 2 của cả nước sau tỉnh Tiền Giang, ước sản lượng thu hoạch năm 2022 là 170.000 tấn và ước sản lượng đến năm 2025 là trên 300.000 tấn.
Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc; UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể, giao cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở đóng gói khẩn trương, tập trung triển khai để chuẩn bị sẵn sàng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc.
Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, bước đầu tỉnh Đắk Lắk đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt 4 mã cơ sở đóng gói sầu riêng và 23 mã số vùng trồng (chiếm 45% mã số vùng trồng cả nước được phê duyệt), với diện tích 1.500 ha (chiếm 18,3% diện tích sầu riêng cho thu hoạch của tỉnh).
Ngoài ra, tỉnh đã thành lập mới 17 hợp tác xã sản xuất sầu riêng, nâng tổng số hợp tác xã của tỉnh lên 415 hợp tác xã, đây là điều kiện quan trọng để xuất khẩu chính ngạch sầu riêng quả tươi vào Trung Quốc ngay từ vụ sầu riêng năm 2022 của tỉnh.
Bên cạnh đó một sự kiện cũng rất quan trọng mới vừa diễn ra thành công, đó là Lễ Hội sầu riêng Krông Pắc. Lễ Hội sầu riêng đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân, du khách và các doanh nghiệp trong nước, tạo hiệu ứng lan toả tích cực về thương hiệu sầu riêng Đắk Lắk.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng, Nghị định thư quy định về kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc sau gần 4 năm nỗ lực chuẩn bị.
Đây là một trong những lợi thế rất lớn để sản phẩm sầu riêng của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc rộng lớn, là cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng sầu riêng Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ, là cơ hội để nâng cao hiệu quả và nâng tầm giá trị sầu riêng của Việt Nam trên trường Quốc tế.
Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ vì các nội dung của Nghị định thư thực chất là các yêu cầu kỹ thuật buộc bên sản xuất, đóng gói và xuất khẩu phải tuân thủ. Việc tổ chức Lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư đã chứng minh chất lượng sản phẩm sầu riêng của Việt Nam đã được nâng lên.
Nhằm bảo vệ những thành quả đã đạt được và phát huy cơ hội tiềm năng sản xuất, xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, trong thời gian tới, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp và các vùng trồng, cơ sở đóng gói tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác; đồng thời làm thật tốt việc tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hoá quy trình sản xuất.
Cùng với đó, tiếp tục xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và truy xuất nguồn gốc, cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện; ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi vi phạm. Có như vậy mới tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp chất lượng, an toàn, minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp đa giá trị, an toàn, bền vững cả về kinh tế - xã hội và môi trường.
Phát biểu tại Lễ công bố xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch mới đây tại Đắk Lắk, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan lưu ý, sầu riêng hay bất kỳ một loại nông sản nào khác muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, thì mọi cá nhân trong chuỗi giá trị nông sản cần phải chung sức chung lòng, hợp tác để cùng đi lên.
Đặc biệt, nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước cần “đi cùng nhau” trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng, trong từng sự kiện giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư để xây dựng thương hiệu Sầu riêng Việt Nam trở nên nổi bật trên thị trường quốc tế, đồng thời có ý thức tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng.
Theo chân những trái sầu riêng đầu tiên xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Trung Quốc ngày hôm nay, là niềm tin và hi vọng của người nông dân, doanh nghiệp và các bên liên quan, nhằm xây dựng và phát triển hình ảnh, thương hiệu sầu riêng Việt Nam, cùng các nông sản Việt Nam nổi bật trên trường quốc tế.
Đây là cơ hội quý giá đối với trái sầu riêng tươi và tiếp tục hứa hẹn kết quả đàm phán tích cực để mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam trong thời gian tới.