Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Dương Quốc Xuân cho rằng, mối liên kết sản xuất và chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn còn chậm, hiệu quả chưa cao.
Liên kết thiếu bền vững
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014 tình hình sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đều đạt khá do sản xuất gặp thuận lợi được mùa, được giá.
Nông dân huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang chăm sóc lúa đông xuân. Ảnh: Duy Khương – TTXVN |
Chỉ tính riêng xuất khẩu gạo đạt 6,52 triệu tấn, trị giá 3,04 tỷ USD, giảm 0,9% về khối lượng, nhưng lại tăng 4,2% về giá trị so với năm 2013. Mặc dù khối lượng xuất khẩu gạo của ta có giảm, nhưng giá trị của hạt gạo đã được nâng lên đáng kể. So với giá xuất khẩu gạo của Thái Lan, gạo của Việt Nam không còn thua kém về giá trị. Nhưng phải nhìn nhận một thực tế, giá lúa mà người nông dân bán ra cho thương lái lại không cao. Một vài nơi ở ĐBSCL người nông dân vẫn bị ép giá khi được mùa. Lợi nhuận từ trồng lúa vẫn thấp hơn trồng ngô, đậu tương, vừng đến 2 lần; so với trồng cây ăn trái càng thua xa.
Các nhà quản lý ngành nông nghiệp, nhà khoa học cũng nói rất nhiều đến mối liên kết trong sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL còn nhiều lỏng lẻo, nhiều nơi liên kết được trong khâu đầu vào, còn đầu ra lại bỏ ngỏ cho người nông dân. Nhiều mô hình sản xuất lúa gạo, trái cây theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap bị phá vỡ do không thể thống nhất trong hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; người nông dân vẫn chịu thua thiệt.
Nói đến mối liên kết trong sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL, điển hình là An Giang có sản lượng lúa đứng thứ hai trong khu vực, nhưng mối liên kết trong sản xuất còn nhiều bất cập. Theo ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh: “Vụ đông xuân 2013-2014, nông dân tỉnh An Giang xuống giống trên 237.500 ha lúa, trong đó mô hình liên kết sản xuất cánh đồng lớn đạt 11.800 ha; toàn tỉnh có 20 doanh nghiệp sản xuất theo mô hình liên kết”.
Một dẫn chứng cho sự liên kết lỏng lẻo, đó là trường hợp xảy ra với Công ty Lương thực Tiền Giang khi thực hiện hợp đồng đầu tư và tiêu thụ lúa cho 30 hộ dân ở xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy trong vụ thu đông năm 2013. Hợp đồng được ký kết, người nông dân được công ty đầu tư giống, phân bón các loại, sau khi thu hoạch công ty sẽ mua với giá sàn 5.200 đồng/kg lúa khô, nếu giá thị trường cao hơn sẽ mua theo giá này. Tuy nhiên, khi lúa được thu hoạch, thương lái trả giá cao hơn giá của công ty mua từ 50 - 100 đồng/kg, nông dân đã bán cho thương lái. Công ty Lương thực Tiền Giang không mua được sản phẩm mà mình đầu tư, hợp đồng liên kết sản xuất bị phá vỡ. Điều này cho thấy, mô hình liên kết sản xuất lúa gạo hiện nay ở khu vực ĐBSCL còn mang tính hình thức, chưa thực sự liên kết lợi ích lẫn nhau, nên rất khó để đi đến sự hợp tác bền vững.
Tăng lợi ích cho người nông dân
Liên quan đến vấn đề trên, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, để mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thực sự chặt chẽ rất cần có chính sách rõ ràng, quản lý, kiểm tra, chế tài hợp lý và nâng cao nhận thức của nhân dân, nâng cao năng lực của các tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác đại diện cho nông dân... Có như vậy mô hình cánh đồng lớn mới thực sự thu hút nông dân tự nguyện, doanh nghiệp mạnh dạn tham gia để góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững.
Ở tỉnh Đồng Tháp có mô hình hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Cường làm ăn rất hiệu quả, được nhiều người tìm đến học hỏi. Ông Huỳnh Thanh Thao, xã viên của hợp tác xã Tân Cường cho hay, gia đình có 12 ha đất trồng lúa chất lượng cao, trong niên vụ 2014 sau khi trừ hết chi phí sản xuất, gia đình ông lãi khoảng 500 triệu đồng/12 ha cả năm. Theo ông Thao, kể từ khi tham gia vào hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp trồng giống lúa tốt, năng suất cao, chi phí đầu vào giảm và đầu ra ổn định. Giờ thấy trồng lúa có hiệu quả chứ không còn cảnh nợ nần chồng chất như xưa. Theo tính toán của ông Thao, nhờ được doanh nghiệp liên kết sản xuất cung cấp các loại vật tư nông nghiệp, giống với giá gốc lại có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn sản xuất, nên năng suất lúa luôn đạt từ 7 đến 8 tấn/ha và tiền lãi trung bình khoảng 25 triệu đồng/ha/vụ.
Ông Nguyễn Văn Trải, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Cường, cho biết: Từ khi hợp tác xã tổ chức liên kết sản xuất, các xã viên bán lúa với giá cao hơn so với các vùng thu hoạch đồng loạt do bà con nông dân biết liên kết với nhau tổ chức sản xuất diện tích lớn, xuống giống đồng loạt, quy trình sản xuất đảm bảo nên tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu.
Từ mô hình hợp tác xã Tân Cường cho thấy, người nông dân đã có cuộc sống khá giả hơn trước, nếu họ biết cùng liên kết với doanh nghiệp, nhà khoa học để xây dựng các mô hình sản xuất lớn. Xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam vẫn là một trong những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh giúp người nông dân ở ĐBSCL ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo. Chính vì thế, năm 2015 các ngành, các cấp vẫn phải xắn tay cùng các doanh nghiệp, nhà khoa học, người nông dân vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp bền vững.
Thái Nguyên