Bén duyên với vùng đất khó Chi Lăng là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn, trong đó núi đá và rừng là chủ yếu. Đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 19,67 % diện tích toàn huyện với khoảng 14.000 ha là phù hợp với các loại cây trồng; trong đó đặc biệt thích hợp trồng cây na dai. Do phù hợp với chất đất và khí hậu nơi đây nên cây na dai đã cho sản phẩm quả với chất lượng tốt, có giá trị kinh tế cao.
Theo Trung tâm sách Kỷ lục và Trung tâm sách Top Việt Nam công bố năm 2012, Na dai Chi Lăng được bình chọn vào danh sách 50 đặc sản trái cây ngon nhất Việt Nam.
Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chi Lăng, Hứa Văn Đèn cho biết, từ một loại cây ăn quả được người dân đem về trồng từ những năm 80 của thế kỷ trước, lúc đầu cũng như bao cây ăn quả khác, cây na chủ yếu để phục vụ nhu cầu của các hộ gia đình trong các thôn bản. Nhưng vì cây na thích nghi rất tốt với điều kiện đất đai, khí hậu của núi đá vôi của huyện Chi Lăng nên đến nay, cây na không chỉ là cây ăn quả xóa đói giảm nghèo mà còn là cây trồng chủ lực mang lại sự ấm no, giàu có cho đồng bào sinh sống trong vùng.
Với chủ trương tái cơ cấu cây trồng để thúc đẩy kinh tế - xã hội, huyện Chi Lăng đã xác định cây na là cây mũi nhọn. Do vậy từ diện tích vài chục ha ban đầu, đến nay toàn huyện đã trồng được hơn 1.500 ha.
Cùng với đó, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch nên sản lượng quả na toàn huyện đến nay đã đạt khoảng 15.000 tấn/vụ, mang lại nguồn thu gần 300 tỷ đồng mỗi năm.
Hiệu quả kinh tế từ cây na đã giúp đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Chi Lăng ngày càng được nâng cao; bộ mặt nông thôn ngày càng được đổi mới; nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương Xứ Lạng thân yêu.
Xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, Đoàn Thanh Sơn cho biết, để nâng cao giá trị và phát triển kinh tế từ cây na một cách bền vững, từ năm 2014, huyện Chi Lăng đã vận động, hỗ trợ nhân dân sản xuất na an toàn và được người dân nhiệt tình ủng hộ.
Na đặc sản mới thu hoạch được vận chuyển ra chợ thị trấn Chi Lăng để tiêu thụ. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Đến nay, toàn huyện đã có gần 1.000 ha na đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận sản xuất na an toàn theo Thông tư 51/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đặc biệt, huyện Chi Lăng đã xây dựng thành công hơn 100 ha na theo tiêu chuẩn VietGAP và 5 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP để hướng đến xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Do vậy trong thời gian tới, huyện Chi Lăng tiếp tục tuyên truyền vận động người dân tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật để chăm sóc cây na theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm na Chi Lăng.
Đặc biệt là xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tổ chức điểm kết nối giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ na Chi Lăng tại Hà Nội để giới thiệu rộng rãi cũng như cung cấp sản phẩm quả na an toàn đến người tiêu dùng trong cả nước.
Cùng với đó, huyện tăng cường phối hợp với các viện nghiên cứu, doanh nghiệp để đầu tư nghiên cứu các công nghệ bảo quản sau thu hoạch cũng như tiến tới công nghệ chế biến các sản phẩm từ quả na. Huyện sẽ duy trì tổ chức các ngày hội na hằng năm để khích lệ nhân dân sản xuất, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm quả na Chi Lăng đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Đặc biệt trong hai ngày 11 - 12/8, được sự đồng ý của Tỉnh ủy Lạng Sơn, huyện Chi Lăng tham mưu cho UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Ngày hội Na Chi Lăng lần thứ nhất năm 2017, nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đặc sản na Chi Lăng ra thị trường trong và ngoài nước. Đây còn là nơi kết nối “4 nhà”: Nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý; đồng thời thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho đặc sản na Chi Lăng theo hướng bền vững.