Trước đó, năm 2019, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng đề xuất thực hiện dự án đường gom dân sinh của cao tốc Liên Khương – Prenn với kinh phí hơn 135 tỷ đồng từ nguồn vốn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2019 -2021, do tỷ lệ tăng trưởng lưu lượng xe thấp nên việc thực hiện điều kiện “không làm tăng thời gian thu phí và mức giá thu qua trạm BOT của cao tốc Liên Khương – Prenn” sẽ không hoàn vốn cho dự án được.
Tuy nhiên trong năm 2022, theo tính toán của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Phát, tỷ lệ tăng trưởng lưu lượng xe qua trạm thu phí và ước tính sau tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương hoàn thành từng giai đoạn, tốc độ tăng trưởng lưu lượng xe sẽ tăng cao nên việc thực hiện đường gom với điều kiện nêu trên có thể thực hiện được. Do đó, công ty này đề xuất cho đơn vị tiếp tục lập hồ sơ nghiên cứu khả thi để đầu tư thêm 10,1 km đường gom dân sinh thuộc phần vốn BOT dọc tuyến cao tốc Liên Khương – Prenn. Qua đó nhằm đảm bảo an toàn giao thông và phục vụ sản xuất của người dân.
Theo thống kê, tuyến cao tốc Liên Khương – Prenn hiện chỉ có bố trí 2 đoạn đường gom ở hai đầu tuyến và 6 cống dân sinh. Thực trạng này gây khó khăn cho người dân địa phương khi có nhu cầu lưu thông đến nơi sản xuất nông nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 21/2, TTXVN cũng thông tin về tình trạng người dân tự ý mở đường ô tô đấu nối trái phép với cao tốc Liên Khương – Prenn tại vị trí đi qua xóm R’Chai (thôn Đarahoa, xã Hiệp An, Đức Trọng), gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông dọc tuyến đường này. Ngoài ra, dọc hai bên cao tốc này cũng còn hàng chục điểm đấu nối (chủ yếu là đường mòn) để người dân địa phương di chuyển đến nơi sản xuất nông nghiệp của họ.
Tuyến cao tốc Liên Khương – Prenn có chiều dài khoảng 20 km, nối sân bay Liên Khương (huyện Đức Trọng) với thành phố Đà Lạt. Dù có lưu lượng xe ô tô di chuyển nhiều nhưng cao tốc này lại có nhiều đường mòn, lối mở do người dân tự ý đấu nối để băng qua đường, di chuyển đến khu sản xuất, ảnh hưởng đến an toàn của các phương tiện nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.