Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, theo báo cáo của Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà, số tiền thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án cầu Thái Hà giai đoạn I từ năm 2019 đến năm 2021 đạt gần 84 tỷ đồng. Bình quân mỗi ngày thu 76 triệu đồng.
Trong đó, năm 2019, doanh thu hơn 26 tỷ đồng, chỉ đạt hơn 15% số thu theo hợp đồng. Năm 2020, doanh thu đạt hơn 28 tỷ đồng, đạt hơn 14%. Năm 2021, cũng chỉ thu được hơn 29 tỷ đồng, đạt hơn 14% số thu theo hợp đồng. Do doanh thu đạt tỷ lệ quá thấp so với phương án tài chính đã ảnh hưởng lớn đến khả năng hoàn vốn của dự án.
Để thu hút phương tiện, tăng hiệu quả của dự án, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét thí điểm giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án trong thời gian 3 tháng theo đề xuất của Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà từ ngày 1/4/2022.
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà, từ năm 2019 đến nay, doanh thu thu phí trung bình khoảng 76 triệu đồng/ngày đêm, đạt khoảng 12% phương án tài chính hợp đồng BOT. Nguyên nhân chủ yếu là do lưu lượng xe đã chọn đi tuyến cầu Hưng Hà (bắt qua sông Hồng nối Hưng Yên với Hà Nam) do không phải trả phí.
Đại diện doanh nghiệp này cho biết thêm, sau khi được phép thu phí, việc khai thác dự án gặp nhiều khó khăn khi chịu ảnh hưởng của các dự án kết nối phía Thái Bình, Hà Nam và dự án lân cận cầu Hưng Hà. Trong khi đó, dự án BT tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã thi công hoàn thành nhưng vẫn chưa được nghiệm thu đưa vào khai thác.
Hơn nữa, dự án Quốc lộ 39A sau khi được cải tạo cùng với dự án xây dựng cầu Hưng Hà (vốn vay ODA của Hàn Quốc) khi hoàn thành khiến hầu hết các loại xe tải, xe container đều chọn các tuyến đường không thu phí này.
"Xét về doanh thu thực tế, dự án không có điểm hoàn vốn và việc kéo dài thời gian thu phí không có ý nghĩa về phương án tài chính", lãnh đạo công ty này cho hay.
Từ hiện trạng trên, Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà đề xuất với Tổng cục Đường bộ Việt Nam giảm giá vé tạm thời trong thời gian 3 tháng để có số liệu đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
Hình thức giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các phương tiện loại 3 (Xe chở người từ 10 chỗ đến dưới 25 chỗ; xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 4 tấn đến dưới 8,5 tấn), loại 4 (Xe chở người từ 25 chỗ đến dưới 40 chỗ; xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 8,5 tấn đến dưới 13 tấn), loại 5 (Xe chở người từ 40 chỗ trở lên; xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 13 tấn đến dưới 19 tấn; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo đến dưới 19 tấn) để thu hút phương tiện lưu thông phân lưu từ cầu Hưng Hà.
Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà cho biết, số thu dự kiến sau giảm giá là 198 triệu đồng/1 ngày đêm. Ngoài xe loại 1 (Xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân) và loại 2 (xe chở người dưới 10 chỗ (trừ xe đăng ký tên cá nhân); xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ dưới 4 tấn; các loại xe buýt; xe chở hàng và xe chở người 4 bánh có gắn động cơ) giữ nguyên mức giá hiện tại lần lượt là 34.000 đồng/xe/lượt và 49.000 đồng/xe/lượt, theo đề xuất của Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà, mức giá vé đối với xe loại 3, loại 4 và loại 5 giảm khá sâu.
Cụ thể: Đối với xe loại 3 sẽ giảm từ 74.000 đồng xuống còn 55.000 đồng. Xe loại 4 giảm từ 118.000 xuống còn 60.000 đồng. Xe loại 5 giảm từ 177.000 đồng xuống còn 70.000 đồng.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, giai đoạn I theo hình thức hợp đồng BOT có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng.
Dự án có thời gian thu phí dự kiến là 16 năm 7 tháng, thời gian chính thức được xác định cụ thể trên cơ sở giá trị quyết toán và được cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở số liệu thực tế về lưu lượng xe, lãi vay, chi phí bảo trì của dự án.