Thời gian qua, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã đạt được nhiều kết quả tích cực; trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống Kho bạc Nhà nước đặc biệt trong việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin cũng như đốc thúc tiến độ giải ngân của từng dự án.
Tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa của tỉnh Thanh Hóa, là một trong những dự án đầu tư công trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa với vốn đầu tư hơn 2.240 tỷ đồng. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, dự án có hình thức đối tác công - tư PPP theo kế hoạch ban đầu, đã được chuyển sang hình thức đầu tư công và được khởi công từ tháng 12 năm ngoái, dự kiến thực hiện trong 36 tháng.
Ông Phạm Quốc Thành, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư công trình giao thông tỉnh Thanh Hóa cho biết, năm 2022 dự án được bố trí giải ngân khoảng 500 tỷ đồng, dự kiến hết năm tiến độ thi công đạt khoảng 40% và đảm bảo giải ngân hết nguồn vốn được giao.
Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư công năm nay của tỉnh Thanh Hóa là hơn 9.300 tỷ đồng nhưng 3 tháng đầu năm, đã giải ngân được hơn 1.860 tỷ đồng, bằng 20% kế hoạch giao. Tỷ lệ này cao hơn mặt bằng chung của cả nước, giúp Thanh Hóa giữ vững vị trí trong nhóm 10 tỉnh và thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao của cả nước.
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, xác định rõ giải ngân vốn đầu tư công là việc rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, nên tỉnh luôn chỉ đạo sát sao và giao vốn sớm để các đơn vị chủ động đầu tư sớm, hoàn thành các thủ tục liên quan đến đầu tư.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Thi, việc số hóa, chứng từ hóa trong vấn đề thanh toán giải ngân vốn đầu tư công đã được tỉnh quyết liệt chỉ đạo từ kho bạc tỉnh, kho bạc các huyện, thị, thành phố nên tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của năm 2021 (96%) và những tháng đầu năm 2022 đạt được kết quả rất tốt, khoảng 20%.
Ông Nguyễn Tuấn Vinh, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa cho biết, để có kết quả giải ngân vốn đầu tư công cao, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã cải tiến rất mạnh về cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh dịch vụ công trên nền tảng 4.0. Tại Thanh Hóa, dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai 100% trên địa bàn với khoảng 3.500 đơn vị, đạt 99%.
Còn tại Hà Nội, hết năm 2021, Hà Nội giải ngân kế hoạch vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2021 đạt 79,7% kế hoạch vốn. Ông Ngô Tuấn Phong, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội cho biết, Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân của các dự án; trong đó có tiếp tục rút ngắn thời gian kiểm soát chi, đồng thời thực hiện thanh toán 100% các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án qua dịch vụ công trực tuyến để đảm bảo nhanh chóng, kịp thời.
Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, từ năm 2018, Kho bạc Nhà nước chính thức vận hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đến nay đã có gần 100% lượng chứng từ chi ngân sách nhà nước phát sinh hàng tháng được thực hiện trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước, trung bình mỗi ngày có khoảng 150 nghìn giao dịch, cao điểm lên tới hơn 400 nghìn giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến. Chỉ còn khoảng 0,4% số lượng giao dịch trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước là do điều kiện hạ tầng và đường truyền internet từ phía đơn vị một số thời điểm không đảm bảo tốc độ, một số trường hợp là do thay đổi nhân sự chưa được cấp kịp thời chứng thư số…
Cùng với đó, đơn vị sử dụng ngân sách có thể giao dịch với Kho bạc Nhà nước 24/7 qua dịch vụ công trực tuyến (kể cả ngày nghỉ/ngày lễ) tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là những con số cho thấy việc Kho bạc Nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên phạm vi rộng đã hình thành kênh giao dịch điện tử đồng thời là bước cải cách hành chính mạnh mẽ góp phần thúc đẩy giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công. Điều này giúp giảm thời gian đi lại, giảm chi phí hoạt động cho các đơn vị, công khai minh bạch quá trình giải quyết hồ sơ, chứng từ chi ngân sách.
Ông Phạm Văn Duân, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, qua dịch vụ công trực tuyến có thể biết được tình trạng hồ sơ, đã được giải quyết như thế nào, để từ đó nếu có vướng mắc sẽ kịp thời sửa chữa và chuyển cho kho bạc.
Cùng quan điểm, theo ông Phạm Quốc Thành, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư công trình giao thông tỉnh Thanh Hóa thì dịch vụ công trực tuyến của hệ thống kho bạc nhà nước đã giúp cho các chủ đầu tư tránh phải đi lại nhiều lần và kết quả giải ngân có ngay trong ngày.
" Dịch vụ này rất phù hợp với giai đoạn dịch bệnh hiện nay, có thể giao dịch với Kho bạc Nhà nước 24/7, kể cả ngày nghỉ/ngày lễ tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet", ông Phạm Quốc Thành nói.
Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí đi lại, chờ đợi cho khách hàng, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến với chữ ký số đã tăng cường tính bảo mật, tránh việc giả mạo chữ ký, con dấu của đơn vị, giúp khách hàng cũng như Kho bạc Nhà nước có thể giám sát quá trình xử lý hồ sơ và kiểm soát chi ngân sách nhà nước.
Trong thời gian tới, Kho bạc Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến, nâng cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho khách hàng qua đa kênh, bao gồm cả kênh mobile.
Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai phân hệ lưu trữ điện tử đối với hồ sơ kiểm soát chi được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến, hoàn thiện, tăng cường bảo mật thông qua công nghệ sinh trắc học để đảm bảo người kiểm soát thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, ngăn chặn tình trạng làm thay, làm giúp dẫn tới mất an toàn tiền, tài sản của nhà nước.
Đặc biệt, sắp tới hệ thống công nghệ thông tin của Kho bạc Nhà nước sẽ kết nối với mạng đấu thầu quốc gia đang được xây dựng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ kiểm soát chi đầu tư theo thông lệ quốc tế. Với việc thực hiện hệ thống này các đơn vị sử dụng ngân sách chủ đầu tư không cần gửi hợp đồng thanh toán đến Kho bạc Nhà nước sẽ giúp cho quá trình giải ngân vốn đầu tư công nhanh và đơn giản hơn.