Tại các bến xe lớn tại Hà Nội, như Nước Ngầm, Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm trong những ngày dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, quang cảnh vắng lặng như tờ, thỉnh thoảng có chuyến xe xuất bến, chở vài hành khách. Còn tại ga Hà Nội, sân ga cũng vắng hoe do ngành Đường sắt chỉ còn duy trì hai đôi tàu Thống Nhất chạy tuyến Bắc Nam vào giờ cố định.
Lái xe của các doanh nghiệp vận tải Đồng Lợi, Thành Phát, Ninh Quỳnh... tại các bến xe đều chia sẻ, Từ năm 2020 đến nay đã có 4 đợt dịch COVID-19, hiện thu nhập hàng tháng của lái xe bị giảm sâu từ 30 triệu đồng/tháng xuống còn 8 triệu đồng/tháng, cuộc sống bị đảo lộn vì trông chờ vào thu nhập. Các lao động khác của doanh nghiệp còn bi đát hơn, khi thu nhập từ 10-12 triệu đồng/tháng trước đây giảm xuống chỉ còn 2-3 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn phải "cầm cự".
"Doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, dừng gần 80% số phương tiện chạy tuyến cố định để tiết giảm chi phí, nhưng thu không đủ bù chi. Cứ chạy là lỗ, mà không chạy thì khách bỏ, mất lốt. Mỗi tháng doanh nghiệp phải bù lỗ từ 8-10 tỷ đồng để duy trì tuyến, thuê trụ sở, trả nợ ngân hàng và thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động. Doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài và không được hỗ trợ kịp thời...", đại diện nhà xe Đồng Lợi cho biết.
Ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, năm 2020, đơn vị đã phải giải quyết tạm hoãn hợp đồng lao động, cho nghỉ việc do thiếu việc làm bình quân khoảng 600 người/tháng, chấm dứt hợp đồng với 280 người. 4 tháng đầu năm nay tiếp tục cho nghỉ bình quân khoảng 550 người/tháng, chấm dứt hợp đồng với 66 người.
Từ đầu năm 2021 đến nay, do không có nguồn hỗ trợ, công ty chỉ trả lương ngừng việc đối với người lao động phải ngừng việc do chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh phải cách ly y tế, còn lại phải thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không hưởng lương... Từ ngày 14/5, ngành Đường sắt chỉ còn chạy thường xuyên 2 đôi tàu Thống nhất: SE3/SE4 và SE7/SE8.
Video phóng viên báo Tin tức phản ánh tại hiện trường các bến xe, nhà ga của Hà Nội:
Trước những khó khăn trên, các doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ, đường sắt cần có những sự hỗ trợ về nguồn lực để ứng phó và vượt qua đại dịch.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát chia sẻ, đợt dịch lần thứ 4 khiến các tỉnh, thành phố có xe đi/đến từ Bến xe Giáp Bát sụt giảm nghiêm trọng, tới hơn 70% so với 3 đợt dịch trước. Bến xe đang bố trí cho cán bộ công nhân viên nghỉ luân phiên để vừa "cầm cự" kinh doanh, vừa đảm bảo công tác phòng dịch. Hiện nay, chỉ còn 4 tuyến có xe chạy là Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, mặc dù bến xe vẫn duy trì lưu lượng xe nhất định, nhưng việc phục hồi cho các doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào diễn biến của dịch.
"Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Bến xe Giáp Bát đang hoạt động 3 ca/ngày, hoạt động liên tục, nâng cao trách nhiệm cho từng thành viên trong tổ thực hiện nghiêm túc việc phòng dịch trên từng chuyến xe. Bến xe bố trí 14 điểm rửa tay sát khuẩn; tất cả nhà xe đều phải cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, lưu trữ danh sách hành khách, dán mã QR code phương tiện... Ngoài ra, bến xe cũng trang bị một phòng cách ly tạm thời, các trường hợp nghi nhiễm đều được xét nghiệm kịp thời để tránh lây lan cộng đồng, còn hành khách phải khai báo y tế mới được lên xe…", ông Nguyễn Tất Thành khẳng định.
Còn lãnh đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho hay, doanh thu hành khách đang tiếp tục sụt giảm sâu và chưa có dấu hiệu phục hồi, chưa kể sự cạnh tranh gay gắt từ các loại hình vận tải khác. Vì vậy, Tổng công ty ngoài đẩy mạnh tái cơ cấu, chuyển dịch sang phát triển vận tải hàng hóa để đảm bảo việc làm cho người lao động, những lao động bị dừng việc vẫn được đảm bảo đủ quyền lợi bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Tổng công ty đang tích cực báo cáo với các cấp có thẩm quyền đề xuất các biện pháp tháo gỡ các khó khăn, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành kiên quan các gói hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng với điều kiện thuận lợi nhất.
Trao đổi thực tế trên, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, Bộ đã đề xuất các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải hành khách và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng. Cụ thể, các doanh nghiệp vận tải hành khách kiến nghị cho phép kéo dài hiệu lực của Thông tư số 112/2020 về mức thu một số khoản phí, lệ phí đến hết năm 2021; kéo dài thời gian giảm 30% phí bảo trì đường bộ đối với xe khách và 10% với xe tải đến hết năm nay; đồng thời, giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch, cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến hết năm.
Ở góc độ quản lý doanh nghiệp, theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), từ đầu năm đến nay, Tổng cục đã kịp thời có những chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị vận tải thực hiện việc cắt giảm số chuyến/lượt hoặc đề xuất tạm dừng hoạt động để giảm thiểu thiệt hại; đồng thời, tiếp thu, thống kê những vướng mắc doanh nghiệp vận tải các địa phương, bến xe đề xuất kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền những giải pháp tháo gỡ.
“Tổng cục vừa tham mưu Bộ GTVT gửi văn bản tới Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đề nghị tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay như: Giảm 50% lãi suất vay cho các khoản phải trả lãi (trong số này Nhà nước hỗ trợ 25% và ngân hàng 25%), áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 6%/năm; giãn nợ bao gồm cả gốc và lãi từ 6 - 12 tháng”, bà PhanThị Thu Hiền cho hay.
Ngoài ra, Tổng cục cũng kiến nghị Bộ Tài chính cần tiếp tục cho phép kéo dài hiệu lực của Thông tư 112/2020 đến hết ngày 31/12/2021; Thông tư 74/2020 đến hết ngày 31/12/2021 và các chủ đầu dự án BOT miễn, giảm phí BOT trong thời gian có dịch và xem xét chuyển phí sử dụng đường bộ đã mua vé tháng cho ô tô qua trạm thu phí, nhưng do dịch bệnh, nên không được hoạt động sang tháng sau…
Các bến xe của Hà Nội hiện đã dừng hoạt động các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đến Hà Nội với 9 tỉnh: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, Lai Châu, Nam Định, Tuyên Quang; đồng thời, điều chỉnh hành trình 2 tuyến buýt đi đến Bắc Ninh, khu vực giáp ranh của TP Hà Nội, dừng hoạt động 3 tuyến buýt kế cận đi/đến Bắc Ninh, Hoà Bình, Vĩnh Phúc. Ngoài ra, Sở GTVT Hà Nội cũng phối hợp với 3 Sở GTVT Đà Nẵng, Hà Nam, Yên Bái xác định truy vết các đối tượng liên quan để truy vết; phối hợp với 7 địa phương giảm tần suất 50% hoạt động của các tuyến vận tải cố định gồm: Điện Biên, Hà Tĩnh, Hải Dương, Lào Cai, Sơn La, Thanh Hóa, Đà Nẵng.