Sau 5 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (Chỉ thị 40), có thể khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Chỉ thị đi vào cuộc sống đã đáp ứng nguyện vọng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước.
Thành quả ấn tượng
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 đã đạt được những thành tựu hết sức ấn tượng. Tổng số nguồn vốn tăng thêm cho hoạt động tín dụng chính sách đạt 77 nghìn tỷ đồng; trong đó từ ngân sách nhà nước đạt trên 10 nghìn tỷ đồng, từ chính quyền địa phương các cấp đạt trên 11 nghìn tỷ đồng; từ hỗ trợ thông qua tiền gửi các ngân hàng khác đạt trên 41 nghìn tỷ đồng và từ các tổ chức, doanh nghiệp khác trong xã hội đạt trên 21 nghìn tỷ đồng.
“Những con số đó đã thể hiện sự vào cuộc hết sức quyết liệt của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội. Điều đó cũng nói lên hoạt động tín dụng chính sách là một giải pháp rất đặc biệt, sáng tạo và nhân văn sâu sắc ", ông Nguyễn Văn Bình khẳng định.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, với một nước còn đang phát triển và ở mức thu nhập trung bình thấp mà những con số nói trên đã thể hiện sự hết sức cố gắng, chăm lo cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước mà không phải nước nào trên thế giới cũng thực hiện được, kể cả những nước có trình độ phát triển cũng như mức thu nhập cao.
“Trong suốt 30 năm đổi mới thì hoạt động tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Có thể khẳng định đây là một điểm sáng trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng đối với chương trình xóa đói, giảm nghèo Quốc gia cũng như chăm lo, phục vụ các đối tượng chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”, ông Nguyễn Văn Bình nói.
Tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Là hoạt động tín dụng có tính đặc thù, đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, để triển khai hiệu quả tín dụng chính sách xã hội đòi hỏi thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, là yếu tố then chốt quyết định đến hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.
Ông Bùi Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội khẳng định, từ khi có Chỉ thị 40 đã tạo bước đột phá cho Ngân hàng Chính sách Xã hội. Các hoạt động tín dụng chính sách được thực hiện rất thuận lợi bởi có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng đến tận thôn xóm, phát huy được sức mạnh của toàn hệ thống chính trị.
“Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị này các cấp uỷ, đảng chính quyền địa phương rất quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách, đã dành một phần nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác sang Ngân hàng Chính sách Xã hội. Đến 30/6 nguồn vốn uỷ thác này đã đạt hơn 19,5 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 15,6 nghìn tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị 40. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 31,3% gấp gần 4 lần so với trước khi có chỉ thị”, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội thông tin.
Đòn bẩy phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn
Tín dụng chính sách là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Ông Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp nhận định, mô hình hoạt động uỷ thác qua các tổ chức chính trị - xã hội và hoạt động của Tổ tiết kiệm, vay vốn đã giúp cho bộ máy quản lý của Ngân hàng Chính sách Xã hội được tinh gọn, quản lý tốt nguồn vốn cho vay. Việc vay vốn qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đã làm tăng sự đoàn kết, tính nhân ái, giàu tình thương yêu đùm bọc, gắn bó tình làng, nghĩa xóm.
“Tín dụng chính sách cũng đã giúp các hộ nghèo hình thành thói quen tiết kiệm và tăng cường trách nhiệm cộng đồng trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, thực hiện nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ trả nợ ngân hàng. Nhờ có vốn kịp thời, các hộ nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất cải thiện cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cuối năm 2019 xuống còn 2,76%”, ông Lê Minh Hoan khẳng định.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cũng nhận định, việc cho vay ưu đãi hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn có động lực quan trọng đối với việc giữ đất, giữ biên cương, đặc biệt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới Tổ quốc…
Còn ông Lưu Quang Bông ở xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận chia sẻ: “Bốn đứa con tôi nhận thức rằng gia đình khó khăn cho nên rất ham học, 3 cháu đậu đại học còn 1 cháu học sư phạm mầm non. Nếu không có Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ vốn ưu đãi thì gia đình chúng tôi không đủ điều kiện nuôi các con ăn học”.
Bên cạnh đó, tín dụng chính sách xã hội cũng đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây cũng được đánh giá là một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến với những đối tượng dễ bị tổn thương.