“Diễn đàn Đầu tư Việt Nam-Canada” nằm trong chuỗi các sự kiện được Đại sứ quán Việt Nam tại Canada tổ chức trong thời gian qua để thúc đẩy ngoại giao kinh tế, phục vụ công cuộc phát triển đất nước.
Hiện nay, nền kinh tế của Việt Nam và Canada đều có dấu hiệu phục hồi tốt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ước tăng 5,03% trong quý đầu tiên của năm nay. Trong khi đó, GDP của Canada đã bật tăng 6,7% trong quý cuối cùng của năm ngoái. Hiện cả hai nước đều đang áp dụng chiến lược thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Trong bối cảnh này, “Diễn đàn Đầu tư Việt Nam-Canada” là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam quảng bá, thu hút đầu tư, tăng cường chuỗi cung ứng giữa hai bên, giữa lúc môi trường thế giới còn nhiều bất ổn.
Trong hai năm qua, bất chấp dịch COVID-19, đà phát triển của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa chính phủ và nhân dân hai nước đã được duy trì tích cực. Các cuộc gặp gỡ, điện đàm, trao đổi thư từ giữa Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Canada Justin Trudeau, cũng như giữa lãnh đạo các bộ, ngành của hai nước, tạo cơ sở rất thuận lợi cho liên kết kinh tế song phương.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Cao Phong, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam và Canada là thành viên sáng lập, với các ưu đãi về thuế trong kinh doanh cả hàng tiêu dùng và nguyên liệu, đã tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho thương mại, mà còn cho cả hoạt động đầu tư và chuỗi cung ứng giữa hai nước, góp phần tích cực vào việc bảo đảm an ninh con người và an ninh kinh tế của Việt Nam và Canada.
Đại sứ Phạm Cao Phong nhấn mạnh, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với hoạt động đầu tư và kinh doanh nhờ sự ổn định về chính trị và kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện môi trường và đất đai thuận lợi, nguồn nhân lực năng động, dồi dào cùng nhiều yếu tố khác. Việt Nam đã cải thiện các chính sách kinh doanh và đầu tư, xây dựng các kế hoạch tổng thể như “Make in Vietnam 2025”, Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035,...nhằm phát huy tiềm năng phát triển dài hạn của mình.
Phát biểu tại diễn đàn, Hạ nghị sĩ Laurie Scott, Trợ lý quốc hội của Bộ trưởng Thương mại, Kiến tạo việc làm và Phát triển kinh tế tỉnh Ontario, khẳng định Ontario mong muốn tiếp tục củng cố mối quan hệ với Việt Nam - đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kể từ năm 2015. Đáng chú ý, giá trị trao đổi thương mại hai chiều giữa Ontario và Việt Nam đạt gần 6 tỷ CAD (4,7 tỷ USD) trong năm 2021, chiếm tỷ trọng lớn (hơn 50%) trong kim ngạch thương mại Việt Nam-Canada. Việt Nam, với sức tăng GDP mạnh mẽ và tầng lớp trung lưu phát triển, hiện là một thị trường quan trọng đối với Ontario - tỉnh đông dân nhất Canada. Trong bối cảnh Ontario đang nỗ lực đa dạng hóa hoạt động thương mại quốc tế, chính quyền tỉnh đã nhìn thấy các cơ hội thật sự đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin-liên lạc, cơ sở hạ tầng,...
Việt Nam có thể đóng vai trò là cầu nối cho các doanh nhân Canada đến với 14 thành viên khác của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - một thị trường khổng lồ với khoảng 30% dân số thế giới (2,2 tỷ người), chiếm 30% GDP toàn cầu (26.200 tỷ USD). Trong khi đó, Canada có thể là cánh cửa để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ và Mexico - các thành viên của Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada.
Tại diễn đàn, đại diện các công ty Canada và Việt Nam như FPT Canada, Manulife Việt Nam, Dan On Food Canada,... đã chia sẻ chiến lược tiếp cận thị trường của doanh nghiệp, những thách thức và cơ hội tại địa bàn,... Ông David Johnson, Giám đốc Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Canada đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiềm năng của thị trường này. Và Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam cũng kỳ vọng sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư Việt Nam quan tâm tới thị trường Canada – quốc gia được coi là đi đầu về năng lượng và nông nghiệp, rất mạnh trong lĩnh vực khai thác gỗ, chế biến hải sản.
"Diễn đàn Đầu tư Việt Nam-Canada" được đánh giá là “điểm hẹn” để giới chức hai nước, cũng như cộng đồng doanh nghiệp tìm giải pháp tăng dòng vốn đầu tư ở cả khu vực công và tư nhân, khai phá tiềm năng hợp tác, đồng thời làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị song phương.