hủ trương khuyến khích đã có, song liệu loại hình điện này có đạt hiệu quả kinh tế cao và được các chuyên gia, doanh nghiệp nhìn nhận thế nào?
Có hiệu quả?
Theo phân tích từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hiện mỗi hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời mái nhà với công suất nhỏ, thường từ 3 đến 10 kWp; văn phòng công sở, công ty, hay nhà máy, xí nhiệp thông thường từ 10 - 50 kWp.
Các hộ gia đình có nhu cầu sử dụng điện vào ban đêm nhiều hơn ban ngày. Khi khung giờ điện mặt trời mái nhà phát huy hiệu quả phát điện, họ lại không có nhu cầu sử dụng điện. Còn nếu lắp thêm hệ thống pin lưu trữ, chi phí đầu tư sẽ tăng cao.
Với văn phòng công sở, công ty, trong 1 năm có 115 ngày nghỉ cuối tuần và nghỉ lễ, còn lại 250 ngày làm việc. Như vậy, hiệu ích việc sử dụng năng lượng từ hệ thống "tự sản, tự tiêu" chỉ ,5%. Hệ thống điện mặt trời mái nhà hoạt động từ 5h30 sáng đến 18h30 chiều. Nhưng giờ làm việc hành chính thông thường từ 8h sáng đến 17h chiều. Do vậy, 2,5 giờ sáng sớm và 1,5 giờ chiều tối không sử dụng, nhưng do các giờ này công suất phát cũng rất thấp nên chỉ tính ở mức 0,1 giờ Tmax. Nếu tính thêm 1 giờ nghỉ trưa thì tổng số công suất năng lượng mặt trời mái nhà không sử dụng tương đương 15,56%.
Như vậy, tổng tỷ lệ điện năng không sử dụng, hay nói cách khác là bỏ phí là 47,07%, tương đương vốn đầu tư không sử dụng đến.
Riêng với khối văn phòng công ty, công sở làm thêm sáng thứ Bảy, nghỉ chiều thứ Bảy và ngày Chủ nhật hàng tuần thì tổng tỷ lệ điện năng không sử dụng, bỏ khoảng 39,96%, tương ứng với 39,96% vốn đầu tư vô ích.
Như vậy, khi đầu tư điện mặt trời mái nhà không nối lưới thì khu vực văn phòng công sở, công ty chỉ làm việc 5 ngày trong tuần, hiệu ích sử dụng vốn đầu tư chỉ đạt hơn 52%. Còn công ty, hoặc công sở làm việc thêm sáng thứ Bảy hàng tuần, hiệu ích sử dụng vốn đầu tư chỉ đạt khoảng 60%.
Với khối nhà máy, xí nghiệp làm việc 3 ca - tức thời gian làm việc 24h/7ngày, nhu cầu phụ tải lớn hơn, nên điện năng tiêu thụ hàng tháng rất lớn, cần lắp đặt điện mặt trời mái nhà với công suất lớn, có thể từ vài trăm kWp đến 5 - 7 MWp cho một nhà máy sẽ có lợi hơn.
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phân tích, hiện tại giá điện trung bình mà các nhà máy, xí nghiệp này mua từ EVN cao hơn giá điện theo cơ chế ưu đãi (FIT1 và FIT2) (theo biểu giá 3 giá hiện hành). Tuy nhiên, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà với công suất lớn cũng rất dễ ảnh hưởng bởi thời tiết bất thường, ảnh hưởng rất lớn đến điều độ hệ thống. Do đó, phải có sự điều tiết và khuyến khích phù hợp để không gây phát triển nóng, nhưng vẫn ưu tiên các nhà máy đăng ký tiêu chuẩn môi trường xanh.
Đại diện Hiệp hội Năng lượng, TS. Nguyễn Huy Hoạch cho rằng, như vậy việc khuyến khích người dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà không kèm pin lưu trữ đối với hộ gia đình (trừ những hộ kinh doanh, hoặc hộ nuôi trồng thủy sản, hộ nghề cá đánh bắt xa bờ…) có hiệu quả rất thấp. Còn đối với khối văn phòng công sở, công ty, việc đầu tư chỉ hiệu quả từ 52,39% đến 60,04%. Theo "định hướng phát triển điện mặt trời phải kết hợp với pin lưu trữ khi giá thành phù hợp" như Quy hoạch điện VIII đã nêu thì biện pháp này có thể hiệu quả khi giá pin lưu trữ giảm xuống hơn 60% trong thời gian tới.
Với chủ trương khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, TS Nguyễn Huy Hoạch cho rằng, Bộ Công Thương khẳng định sẽ thúc đẩy các đơn vị triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) trên cơ sở mua bán điện trực tiếp qua đường dây tư nhân riêng để kết nối trực tiếp với nhau, nhằm ưu tiên triển khai dự án điện tự sản, tự tiêu. Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế DPPA trực tiếp qua đường dây tư nhân riêng sẽ không đảm bảo cấp điện ổn định cho khách hàng.
Để đảm bảo an toàn cung cấp điện cho hộ phụ tải, hệ thống năng lượng tái tạo buộc phải hoà lưới điện và do vậy, việc EVN thu phí đấu nối của nhà đầu tư là chấp nhận được. Cho nên, việc khuyến khích mua bán điện mặt trời mái nhà trực tiếp để tự dùng cần phải có quy định chi tiết hơn về công suất bổ sung dự phòng do EVN đảm bảo, ngoại trừ khi các chủ đầu tư nhà máy có hệ thống pin lưu trữ.
Giải pháp từ pin lưu trữ
Theo đánh giá của các chuyên gia năng lượng quốc tế, khi mức thâm nhập các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi như điện mặt trời, điện gió vào hệ thống điện đạt từ 15% trở lên về quy mô sản lượng, thì việc đầu tư giải pháp lưu trữ năng lượng (ESS) sẽ có hiệu quả.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS - Battery Energy Storage System) đã và đang trở thành một công nghệ cần thiết trong quản lý nhu cầu, tích hợp năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh. Cùng với các ứng dụng công nghệ khác, công nghệ pin lưu trữ năng lượng cũng đang được phát triển để góp phần thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Để triển khai hiệu quả điện mặt trời trong những năm tới, TS Nguyễn Huy Hoạch cho rằng, cần xây dựng thêm các nhà máy điện có thể điều chỉnh công suất linh hoạt như điện khí, thủy điện tích năng, các nhà máy điện mặt trời có hệ thống pin lưu trữ, hoặc các trạm phát điện sử dụng pin lưu trữ độc lập.
"Khi hệ thống lưu trữ năng lượng xuất hiện sẽ góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải, hoặc giảm nhu cầu đầu tư nguồn điện và hạ tầng lưới điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải cho một số ít giờ cao điểm, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện", TS Nguyễn Huy Hoạch chia sẻ.
Ngoài ra, cần sử dụng điện năng lượng mặt trời cho sản xuất hydrogen và dùng hydrogen làm nhiên liệu thay thế khí đốt, làm pin nhiên liệu…
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Thế Tuân, Giám đốc Điều hành Công ty Sơn Hà Free Solar cho hay, "với doanh nghiệp, chúng tôi rất cần các cơ chế chính sách rõ ràng hơn từ Bộ Công Thương và thông suốt đến các địa phương có tiềm năng lớn phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời. Khi các chính sách rõ ràng sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào Việt Nam, không lo nghẽn dòng tiền. Trong thời gian tới, ngành chức năng cần sớm nghiên cứu và đưa ra các cơ chế để khuyến khích lắp đặt điện mặt trời mái nhà cho các hộ sản xuất và công nghiệp. Điều này không chỉ giúp giảm gánh nặng cho ngành điện trong cung cấp điện, mà thúc đẩy nguồn lực xã hội vào lĩnh vực này".
Để không để lãng phí nguồn lực xã hội đối với việc phát triển điện mặt trời mái nhà hộ gia đình và văn phòng công sở, các chuyên gia từ Hiệp hội Năng lượng cũng đề xuất EVN mua lại phần điện năng không sử dụng trong các ngày nghỉ làm việc. Giá mua phần điện năng phát lên lưới EVN được tính toán đảm bảo hiệu quả cho EVN và mức giá cao hay thấp tùy thuộc vào thời điểm để điều tiết được lượng công suất lắp đặt đấu nối hòa vào hệ thống điện của EVN.
Ngoài ra, với Bộ Công Thương, các chuyên gia khuyến nghị cần đề ra chính sách giá mua điện, bán điện đối với công nghệ lưu trữ điện để làm cơ sở khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư, phát triển loại hình nguồn điện mặt trời mái nhà có lưu trữ…