Giấy thông hành cho xuất khẩu
Là một trong những huyện thực hiện hiệu quả việc cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trong tỉnh, ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho hay, huyện đã có 48 vùng trồng được cấp mã số với tổng diện tích 308 ha; trong đó, cây na 5 mã, diện tích 92 ha; cây ớt 43 mã, diện tích 216 ha.
Khi các vùng trồng được cấp mã số, sản phẩm của vùng trồng đó sẽ được định danh, minh bạch mọi thông tin liên quan đến nông sản từ hộ sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác. Đây là điều kiện thuận lợi để sản phẩm nông sản địa phương đến với các thị trường, nhất là đối với xuất khẩu theo đường chính ngạch. Với lợi ích này, đây trở thành một trong những tiêu chí để huyện Chi Lăng đưa vào để đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Tuy nhiên, hiện nay việc tổng hợp thông tin từ các hộ dân để cập nhật lên hệ thống phần mềm quản lý trực tuyến gặp khó khăn bởi số hộ dân canh tác trong vùng cấp mã số rất đông, trong khi phần lớn cán bộ, công chức xã đều kiêm nhiệm, trình độ công nghệ thông tin của một số công chức xã có phần hạn chế.
Hơn nữa, một số hộ dân trên địa bàn vẫn còn canh tác theo phương thức truyền thống, manh mún, mỗi hộ một giống, cách chăm bón khác nhau. Mỗi hộ sở hữu một diện tích nhỏ lẻ. Một vùng trồng chỉ vài héc ta nhưng có tới mấy chục hộ dân cùng canh tác nên rất khó để chỉ đạo thực hiện đồng bộ các gải pháp kỹ thuật đáp ứng theo yêu cầu...
Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cho biết, xác định mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được xem như “giấy thông hành” cho xuất khẩu nông sản, từ năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với UBND các huyện tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản đối với các sản phẩm nông sản chủ lực nhằm đáp ứng các điều kiện cấp mã số vùng trồng; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Tỉnh đã tập huấn, nâng cao nhận thức cho gần 10.000 lượt người về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Lạng Sơn đã có 178 vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mã số với diện tích gần 900 ha; trong đó, 140 mã số vùng trồng thạch đen, diện tích trên 660 ha; 37 mã số vùng trồng ớt, diện tích hơn 241 ha; một mã số vùng trồng bưởi, vùng trồng na. Tỉnh đã có 13 cơ sở đóng gói thạch đen được cấp mã số.
Việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã giúp thay đổi nhận thức của nông dân địa phương trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản, đảm bảo các điều kiện để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các nước trong khu vực.
Trong 8 tháng của năm 2023, kim ngạch hàng địa phương xuất khẩu đạt 97 triệu USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, sản phẩm nông sản xuất khẩu là 12.000 tấn, chủ yếu là ớt và thạch đen, trị giá hơn 18 triệu USD.
Tránh tình trạng vi phạm quy định
Quá trình theo dõi, giám sát của cơ quan chuyên môn tỉnh Lạng Sơn cho thấy, doanh nghiệp, người sản xuất thường chỉ quan tâm đến công tác cấp mới mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, chưa thực sự quan tâm đến việc duy trì các điều kiện đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu. Người dân một số nơi không tiếp cận đầy đủ thông tin về mã số nên chưa có ý thức bảo vệ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp.
Nhằm đảm bảo các vùng trồng sau khi đã được cấp mã số duy trì, đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện thực hiện giám sát định kỳ, lấy mẫu giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm xuất khẩu (thạch đen, ớt).
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mỗi vụ một lần. Việc làm này được thực hiện trước thời điểm thu hoạch, tập trung vào các nội dung như: dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thông tin về sự thay đổi của mã số vùng trồng. Các vùng trồng không đáp ứng các tiêu chí theo quy định sẽ bị thu hồi mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Để xuất khẩu nông sản đạt yêu cầu, không bị vi phạm các quy định của nước nhập khẩu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh yêu cầu, các địa phương có vùng trồng, chế biến xuất khẩu tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với hàng hóa xuất khẩu; tuyên truyền và phổ biến rộng rãi quy định của thị trường nhập khẩu đến các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất và xuất khẩu.
Các doanh nghiệp, thương nhân sản xuất, xuất khẩu nông sản tăng cường công tác thông tin, phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan về tình hình thị trường, hoạt động xuất khẩu mặt hàng nông sản, tình hình của các cửa khẩu để chủ động, kịp thời điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phù hợp với thực tiễn.
Các doanh nghiệp đảm bảo hàng hóa khi xuất khẩu đáp ứng đầy đủ các quy định, yêu cầu của thị trường xuất khẩu về xuất xứ, chất lượng, bao bì đóng gói... để thông quan nhanh chóng, thuận lợi. Đồng thời, chủ động tìm hiểu, nghiên cứu kỹ việc lựa chọn, ủy thác hàng hóa, phương tiện cho các đại lý hải quan, tổ chức, cá nhân làm dịch vụ xuất, nhập khẩu đảm bảo đầy đủ điều kiện theo quy định pháp luật để góp phần tổ chức thực hiện tốt hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa...
Theo Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn Hoàng Khánh Duy, thực tế những năm qua cho thấy, Trung Quốc ngày càng nâng cao yêu cầu đối với chất lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, nhất là đối với hoạt động kiểm soát sinh vật gây hại trên các mặt hàng này. Trong quá trình kiểm hoá, khi phát hiện một trường hợp có sinh vật gây hại trên mặt hàng, phía bạn xử lý rất nặng, yêu cầu toàn bộ lô hàng phải quay đầu về Việt Nam, đôi khi còn dừng nhập khẩu mặt hàng này trong một thời gian dài.
Chính vì vậy, tại toàn bộ các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đều bố trí đầy đủ các lực lượng chức năng để thực hiện thủ tục thông quan hàng hoá, trong đó có các Trạm Kiểm dịch thực vật cửa khẩu trực thuộc Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII trực tiếp làm công tác chuyên môn nghiệp vụ và đều được bố trí địa điểm thuận lợi để thực hiện công tác kiểm tra, giám định, kiểm dịch thực vật…
Để hoạt động xuất khẩu nông sản thuận lợi, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đẩy nhanh tiến độ trao đổi, đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với một số loại hoa quả để giảm tỷ lệ kiểm hoá xuống còn 30%; mở rộng danh mục các mặt hàng hoa quả, nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.
Các địa phương quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng để tránh bị gian lận; tăng cường giám sát, quản lý vùng trồng, đảm bảo chất lượng sản phẩm, công tác thu hái, đóng gói, bảo quản, vận chuyển hàng hóa được thực hiện theo đúng quy định và yêu cầu của thị trường nhập khẩu.