Theo đó, tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không, sân bay Việt Nam ước đạt 7.700 lần hạ cất cánh (giảm 12% so với cùng kỳ lễ 30/4-1/5 năm 2021); hơn 1,1 triệu hành khách (giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2021); 15.900 tấn hàng hóa (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021).
Đối với 3 cảng hàng không quốc tế lớn, gồm: Tân Sơn Nhất ước đạt 2.515 lần hạ cất cánh (giảm 7,5% so với cùng kỳ), 375.000 lượt khách (tăng 3% so với cùng kỳ), 4.900 tấn hàng hóa (giảm 12% so với cùng kỳ);
Nội Bài ước đạt 1.959 lần hạ cất cánh (tăng 4% so với cùng kỳ), 240.000 lượt khách (giảm 4% so với cùng kỳ), 9.600 tấn hàng hóa (tăng 55% so với cùng kỳ); Đà Nẵng ước đạt 693 lần hạ cất cánh (giảm 13% so với cùng kỳ), 94.800 lượt khách (giảm 8% so với cùng kỳ), 316 tấn hàng hóa (giảm 36% so với cùng kỳ).
Giai đoạn từ ngày 30/4-3/5, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện 3.600 chuyến bay giảm 13,5% so với cùng kỳ 2021; trong đó có 3.300 chuyến cất cánh đúng giờ, chiếm tỷ lệ đúng giờ (OTP) là 88,8%, giảm 0,7 điểm so với tháng cùng kỳ 2021. Tổng số chuyến bay bị hủy là 25 chuyến chiếm tỷ lệ hủy là 0,7%, giảm 0,2 điểm so với cùng kỳ 2021.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, các đơn vị trong ngành hàng không đã phối hợp nhịp nhàng, không xảy ra tình trạng ùn tắc tại cảng hàng không, hạn chế tối đa tình trạng bay chờ vì lý do thời tiết, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ ở mức khá cao.
Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam thực hiện nghiêm các chuyến bay theo đúng slot (lượt cất, hạ cánh) đã được cấp, giảm thiểu tỷ lệ các chuyến bay chậm, hủy; tăng cường tổ chức giám sát tình hình thực hiện slot của các hãng hàng không, kịp thời chấn chỉnh; yêu cầu các hãng hàng không luôn bố trí đại diện có thẩm quyền giải quyết thắc mắc, khiếu nại của hành khách...