Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã và đang được các tỉnh, thành trong vùng triển khai nhằm tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững.
Thách thức từ biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu tác động tiềm tàng đến hệ thống đô thị khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là vấn đề sạt lở, sụt lún khiến mất đất đô thị và thiệt hại về tài sản của người dân, đặc biệt ở những khu vực trũng thấp. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng ngập úng, ô nhiễm hệ thống nước cấp, gia tăng ô nhiễm môi trường do hệ thống thu gom rác thải, nước thải bị gián đoạn…
Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Thị Lan Anh cho biết, Việt Nam xếp hạng 23/30 quốc gia chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu, trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long được cảnh báo là 1 trong 3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới. Dự báo đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển sẽ dâng lên từ 0,5 - 1 m, kéo theo khoảng 39% diện tích, 35% dân số Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng. Toàn bộ 13 tỉnh, thành phố tại Đồng bằng sông Cửu Long đều có nguy cơ ngập, trong đó, một số đô thị lớn, trung bình có nguy cơ ngập cao như các thành phố: Rạch Giá, Hà Tiên (Kiên Giang), Cà Mau (tỉnh Cà Mau), Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) và thành phố Cần Thơ.
Là thủ phủ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, do tác động của biến đổi khí hậu, thành phố Cần Thơ đã và đang phải đối mặt với các hiểm họa như: triều cường, sạt lở đất, nắng nóng, bão, lốc xoáy kéo theo những hiểm họa khác như: xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.
Theo Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ, sạt lở bờ sông là một trong những hiện tượng biến đổi khí hậu xuất hiện thường xuyên trong những năm gần đây, gây thiệt hại tài sản, sản xuất của người dân. Diễn biến sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gia tăng cả về cường độ và số lượng.
Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa diễn ra tương đối mạnh tại Thành phố Cần Thơ còn làm gia tăng hiện tượng sụt lún mặt đất và công trình ở những khu vực có mật độ xây dựng cao. Đồng thời, việc khai thác nước ngầm phục vụ cấp nước đô thị cũng là nguyên nhân gây sụt lún cục bộ mặt đất. Do đó, những giải pháp ứng phó, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu đến đô thị Cần Thơ là vô cùng cấp thiết.
Nằm tận cùng phía Tây Nam của Tổ quốc, địa thế tỉnh Kiên Giang là một hệ thống hở, thấp, chịu tác động của chế độ thủy văn, bởi ba yếu tố: thủy triều vịnh Thái Lan, chế độ thủy văn của sông Hậu và mưa tại chỗ. Các yếu tố này tạo nên sự phức tạp trong môi trường, đặc biệt là vấn đề xâm nhập mặn từ biển Tây.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang, tại thành phố Rạch Giá nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền, đẩy nước ngọt trên sông Cái Sắn và kênh Rạch Giá - Hà Tiên ra xa hơn. Các khu vực trồng rau màu dọc theo hai tuyến này đang đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới tiêu và phải kết thúc sớm mùa vụ. Khu vực trồng rau ở phường Vĩnh Hiệp, thành phố Rạch Giá cũng đang gặp khó khăn về nước tưới vì nước mặn đã xâm nhập đến kênh thủy lợi phía Nam. Riêng thành phố Hà Tiên, diện tích lúa vừa thu hoạch ở khu vực biên giới với Campuchia gần như phải phơi đất hoàn toàn vì không còn nước tưới tiêu do hạn và xâm nhập mặn.
Nhiều giải pháp thích ứng
Hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng đạt 31,16%, tăng 4,6% so với năm 2015, khu vực đô thị cũng có sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng. Theo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Thành phê duyệt, hệ thống đô thị Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được xây dựng theo hướng phân bố hợp lý tại các vùng đô thị, dọc theo các hành lang phát triển chính của vùng; mô hình đô thị sinh thái, nén, thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo đó, thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc trung ương, là trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, du lịch, công nghiệp chế biến của toàn vùng. Thành phố Rạch Giá là trung tâm kinh tế biển, thương mại dịch vụ tại khu vực ven biển phía Tây của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy hải sản. Thành phố Cà Mau là trung tâm tiểu vùng ven biển tại khu vực bán đảo Cà Mau; là trung tâm năng lượng và dịch vụ dầu khí quốc gia, trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái…
Hiện các ngành, lĩnh vực tại Thành phố Cần Thơ bước đầu lồng ghép và xây dựng các giải pháp về phát triển ngành theo hướng bền vững, kết hợp với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố trong từng giai đoạn phát triển. Từ đó, xây dựng các mô hình tuyên truyền hiệu quả, điển hình như: Phân loại xử lý rác thải tại hộ gia đình; Chủ nhật xanh; ra quân thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh môi trường…
Thành phố Cần Thơ cũng đang triển khai nhiều dự án như: Nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Tiểu dự án thành phố Cần Thơ, dự án Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Cần Thơ công suất 30.000 m3/ngày đêm, dự án Kè bờ sông Cần Thơ ứng phó biến đổi khí hậu, dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị,… Đồng thời, tham gia tích cực vào các tổ chức, mạng lưới quốc tế nhằm chia sẻ, học hỏi những sáng kiến, giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu như: Thỏa thuận các Thị trưởng Toàn cầu về Khí hậu và Năng lượng, Mạng lưới các thành phố BreatheLife, Mạng lưới 100 thành phố trên toàn cầu có khả năng chống chịu…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ông Lê Quốc Anh cho biết, để thực hiện đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030”, tỉnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như điều tra, đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển hệ thống đô thị hiện có và đô thị dự kiến hình thành mới trong giai đoạn 2021 - 2030. Qua đó, tính toán khả năng và mức độ tự thích nghi, đề xuất giải pháp ứng phó, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro.
Tỉnh Kiên Giang hình thành hệ thống kiểm soát, hạn chế lũ, lụt, ngập úng trong đô thị; xây dựng đê, kè chắn lũ, khoanh vùng bảo vệ và có giải pháp tái định cư, di dời dân trong vùng cảnh báo rủi ro. Thực hiện các dự án thí điểm phát triển đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, công trình tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tái sử dụng, tái chế.