Các doanh nghiệp này cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc mua xăng dầu, do nguồn cung xăng dầu khan hiếm, đặc biệt là nguồn dầu DO. Các đơn vị lớn như Petromekong, Saigonpetro, Petrolimex Tây Nam Bộ chỉ đáp ứng được nguồn cung cho hệ thống cửa hàng trực thuộc, tại các kho có rất ít hàng.
Đặc biệt, trong thời gian từ 15/8 đến nay, doanh nghiệp đang phải mua xăng dầu với mức chiết khấu 0 đồng/lít. Nhiều thương nhân phân phối phải chấp nhận nhập giá âm từ 1.000 - 3.000 đồng/lít xăng dầu từ các đơn vị có hàng gửi tại tổng kho Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh). Tức là mỗi lít xăng dầu bán ra, cửa hàng chịu lỗ từ 1.000 - 3.000 đồng, chưa gồm các chi phí vận chuyển, nhân công, điện nước.
Để giải quyết tình hình khó khăn, các doanh nghiệp này đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét điều hành giá linh hoạt, theo đúng chu kỳ, kể cả ngày thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ, Tết. Đồng thời, có phương án điều tiết lại chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở từ doanh nghiệp đầu mối. Từ đó, đảm bảo rằng, thương nhân đầu mối không thua lỗ trong thời gian dài, gây hiệu ứng dây chuyền, ảnh hưởng đến các thương nhân phân phối xăng dầu và hệ thống đại lý bán lẻ.
Bên cạnh đó, thanh tra, kiểm tra các đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu ngừng bán hàng hoặc bán nhỏ giọt cho thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ, gây nên tình trạng khan hàng. Đảm bảo kế hoạch cung ứng mặt hàng xăng dầu đồng đều từ các thương nhân đầu mối, tránh tình trạng như hiện nay.
"Chúng tôi khẳng định nguồn cung ứng xăng dầu tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh lân cận là thiếu hụt cục bộ. Nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn khó đáp ứng nguồn cung cho người dân trong dịp lễ 2/9 và thời gian tới", Hội doanh nghiệp xăng dầu Cần Thơ cho biết.
Cũng trong chiều 31/8, lãnh đạo Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường thành phố Cần Thơ đã đi khảo sát hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại một số cửa hàng trên địa bàn quận Ninh Kiều và Bình Thủy, trước tình trạng có phản ánh của người dân về việc khan hiếm xăng dầu ở một số cửa hàng bán lẻ trong những ngày qua.
Đoàn đã đi khảo sát 3 cửa hàng gồm Cửa hàng Xăng dầu số 3 (Công ty TNHH Một thành viên Xăng dầu Tây Nam Bộ, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex), Cửa hàng Xăng dầu Trà Nóc (Công ty TNHH Một thành viên Xăng dầu S.T.S Tây Nam Bộ) và Cửa hàng Xăng dầu Bình Thủy (Chi nhánh Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu tại Cần Thơ).
Qua khảo sát, các cửa hàng đều hoạt động bình thường, có đầy đủ các mặt hàng xăng, dầu để bán. Ngành chức năng đã tuyên truyền, nhắc nhở các cửa hàng tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, cố gắng đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu của người dân.
Anh Nguyễn Minh Thoại, cửa hàng trưởng Cửa hàng Xăng dầu Bình Thủy (Chi nhánh Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu tại Cần Thơ) cho biết, hiện nguồn dự trữ của cửa hàng vẫn đảm bảo cung ứng cho thị trường, tuy nhiên không được dồi dào như thời gian trước.
"Nguồn nhập hàng có hơi khan hiếm, đặc biệt đối với dầu diesel nhưng vẫn cố gắng đảm bảo có hàng để bán cho người dân trong những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 sắp tới", đại diện Cửa hàng xăng dầu Bình Thủy nói.
Một lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Xăng dầu Tây Nam Bộ (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) cho biết, đơn vị này đang cung ứng xăng dầu cho 4 tỉnh, thành phố tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu với số lượng khoảng 100 cửa hàng. Hiện nguồn xăng dầu của công ty vẫn đảm bảo cung cấp cho các cửa hàng trực thuộc và các thương nhân phân phối có ký kết hợp đồng với công ty.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường thành phố Cần Thơ, hiện trên địa bàn thành phố có 3 của hàng xăng dầu ngưng bán hàng nhưng vẫn mở cửa. Trong số đó, một cửa hàng hàng tạm ngưng bán với lý do như bên trong bồn chứa xăng dầu có hiện tượng rỉ nước, công ty đang khắc phục, sữa chữa.
Một cửa hàng khác thì số lượng xăng dầu trong bồn còn ít nên không bơm được. Công ty đã liên hệ với nhà phân phối xăng dầu ở tỉnh Trà Vinh từ ngày 29/8, yêu cầu cung cấp xăng dầu theo hợp đồng đã ký kết nhưng đơn vị phân phối không có hàng để giao.
Đáng chú ý, một cửa hàng ở huyện Cờ Đỏ muốn nhập dầu nhiều hơn do trên địa bàn đang vào vụ thu hoạch lúa Thu Đông, người dân có nhu cầu sử dụng dầu nhiều nhưng thương nhân phân phối lại yêu cầu cửa hàng phải lấy cả xăng và dầu thì mới cung cấp.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường thành phố Cần Thơ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, giảm sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tiếp tục tăng cường nắm địa bàn, nắm tình hình diễn biến thị trường về mặt hàng xăng dầu, cử công chức tổ chức giám sát tình hình kinh doanh xăng dầu 24/24h, kịp thời tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định về kinh doanh xăng dầu và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Trước đó, ngày 30/8, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đã yêu cầu thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu chủ động xây dựng kế hoạch tăng sản lượng để đảm bảo nguồn cung, cung ứng đầy đủ, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp và sử dụng của người dân.
Các thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu cũng được yêu cầu chia sẻ nguồn cung, điều chỉnh chiết khấu hợp lý để đảm bảo không làm gián đoạn nguồn cung ứng xăng, dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ, thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; cung cấp đầy đủ xăng, dầu cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối.
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh, thương nhân cấp hàng phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu để xảy ra trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trực thuộc hoặc hợp đồng xảy ra tình trạng thiếu hụt nhiên liệu. Báo cáo định kỳ số liệu nhập - xuất - tồn kho xăng, dầu về Sở Công Thương, nơi thương nhân có hệ thống phân phối để giám sát.