Tham dự hội thảo có Đại sứ quán Bangladesh tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka (Bangladesh), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cùng đại diện một số sở, ban, ngành, lãnh đạo tỉnh Thái Bình và 200 doanh nghiệp của Bangladesh và tỉnh Thái Bình.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn cho biết, Thái Bình là một tỉnh đồng bằng ven biển, có diện tích tự nhiên 1.545 km2, dân số khoảng 2 triệu người, nằm trong tuyến hành lang kinh tế ven biển, kết nối các khu kinh tế của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trong tam giác phát triển kinh tế Bắc bộ Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Với vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng đang dần hoàn thiện, Thái Bình khẳng định vị thế trở thành nơi giao thương kết nối với các đối tác, bạn hàng trong và ngoài nước.
Năm 2023, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, song tỉnh Thái Bình đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Nền kinh tế của tỉnh duy trì mức tăng trưởng khá, xếp thứ 20 cả nước, thứ 7/11 tỉnh đồng bằng sông Hồng, tổng sản phẩm (GRDP) ước đạt gần 2,7 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,6 tỷ USD, nhập khẩu đạt 1,8 tỷ USD; thu hút trên 3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài FDI, xếp thứ 5 toàn quốc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khẳng định: tỉnh Thái Bình sẵn sàng chào đón và cam kết hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư Bangladesh về cơ chế chính sách, thủ tục pháp lý đầu tư, xuất nhập khẩu hàng hóa, hải quan cũng như bảo đảm các điều kiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đồng thời, luôn lắng nghe, giải quyết kịp thời các khó khăn, đáp ứng mọi điều kiện thiết yếu để các nhà đầu tư hoạt động tại tỉnh được ổn định, thuận lợi.
Ông Md. Ashraf Ahmed, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka cho biết, Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka là ngôi nhà chung của hơn 5.000 doanh nghiệp Bangladesh, là đơn vị đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Bangladesh trên phạm vi toàn cầu.
Bangladesh hiện có các quy chế đầu tư cạnh tranh với nhiều lợi ích tài chính và phi tài chính cùng môi trường pháp lý thuận lợi cho các Nhà đầu tư. Nổi bật như, miễn thuế 100% quyền sở hữu nước ngoài, kho ngoại quan, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Bangladesh đã thiết lập các Hiệp định đầu tư song phương (BIT), Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần (DTT) với 35 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Thời gian qua, Bangladesh và Việt Nam đã có nhiều sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, quan hệ đối tác thương mại song phương giữa hai nước ngày càng phát triển. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tiềm năng, hai bên cần tăng cường hợp tác để khai thác thế mạnh của mỗi bên.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka nhấn mạnh: Các doanh nghiệp Bangladesh mong muốn hợp tác kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt ở các lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm; tài chính; y tế; vật liệu xây dựng; điện tử, may mặc... Ngoài ra, ông cũng mong muốn các nhà đầu tư Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng tới Bangladesh để tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư.
Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp Bangladesh và tỉnh Thái Bình đã trao đổi, thảo luận, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư; đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka đã giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp tỉnh Thái Bình liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Đỗ Quốc Hưng cho biết: Việt Nam và Bangladesh thiết lập quan hệ ngoại giao ngày năm 1973. Với dân số gần 180 triệu người, Bangladesh hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Nam Á và là thị trường mới, giàu tiềm năng với sức mua lớn. Việc đẩy mạnh hợp tác giao thương với thị trường Bangladesh sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Để thúc đẩy quan hệ song phương, ông Đỗ Quốc Hưng cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp hai bên cần tăng cường hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực mỗi bên có thế mạnh, đa dạng chủng loại hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước, đẩy mạnh trao đổi thông tin, đặc biệt thông tin liên quan đến chính sách thương mại, công nghiệp, đầu tư.
Các doanh nghiệp Việt Nam và Bangladesh cần chủ động nghiên cứu và tìm hiểu rõ nội dung các thỏa thuận đã có giữa hai nước để làm căn cứ và tận dụng những ưu đãi từ các thỏa thuận này đối với hoạt động kinh doanh; tích cực tham gia ý kiến, nêu các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề trong thương mại song phương với các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam và Bangladesh để tháo gỡ.