Tham dự tọa đàm có bà Karine de Vleeschouwer, phụ trách khu vực Đông Nam Á và châu Đại dương của Cơ quan Đầu tư và Thương mại vùng Flanders, cùng đại diện nhiều doanh nghiệp Bỉ.
Tại tọa đàm, các doanh nghiệp Bỉ đã nêu ra nhiều vấn đề như những cơ hội cũng như thách thức đặt ra sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và một số hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam tham gia có hiệu lực; những nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài; những ưu đãi dành cho doanh nghiệp Bỉ khi đầu tư kinh doanh ở Việt Nam; việc đơn giản hóa và thuận lợi hóa các thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam cho chuyên gia, doanh nhân Bỉ trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp Bỉ bày tỏ quan tâm đối với triển vọng của kinh tế Việt Nam và cơ hội hợp tác, kinh doanh ở Việt Nam.
Đại sứ Vũ Anh Quang đã cung cấp những thông tin cập nhật cho các giới chức và doanh nghiệp Bỉ về kết quả Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tình hình triển khai Hiệp định EVFTA, tình hình thương mại - đầu tư Việt Nam - Bỉ. Đại sứ Vũ Anh Quang đã kêu gọi các doanh nghiệp Bỉ đóng góp vai trò của mình trong việc thúc đẩy quá trình phê chuẩn EVIPA tại Bỉ, phục vụ lợi ích của doanh nghiệp hai nước.
Trao đổi với phóng viên TTXVN thường trú tại Brussels, ông Charles Vanderstraeten, Phụ trách bán hàng của Công ty DSV Solutions, chuyên về vận tải quốc tế và logistics (đã có chi nhánh ở Việt Nam) cho biết Hiệp định EVFTA tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp Bỉ tại Việt Nam. Từ 15.000 ha nhà xưởng cách đây hai năm, hiện công ty đã mở rộng lên 20.000 ha nhà xưởng tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Ông tin tưởng rằng, với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp của ông sẽ có nhiều cơ hội phát triển.
Trong khi đó, ông Eric Franssen, Giám đốc thương mại và phát triển Công ty John Cockerill, hiện đang thực hiện các dự án trong lĩnh vực năng lượng và môi trường tại Việt Nam, đánh giá cao nền kinh tế phát triển của quốc gia Đông Nam Á này. Đặc biệt từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, công ty của ông có thêm nhiều cơ hội phát triển hoạt động tại Việt Nam.
Từ nhiều năm nay, sản phẩm bia của Công ty Brouwerij Huyghe, đã có mặt trên thị trường Việt Nam và được người tiêu dùng đánh giá cao. Tuy nhiên, công ty chưa xuất khẩu trực tiếp được sản phẩm vào thị trường hơn 90 triệu dân đầy tiềm năng này, mà phải qua một khâu trung gian. Ông Stijn De Neve, Giám đốc xuất khẩu thuộc công ty cho biết đang tìm đối tác để xuất khẩu sản phẩm bia vào Việt Nam đồng thời hy vọng với Hiệp định EVFTA, Công ty Brouwerij Huyghe sẽ dễ dàng tìm được cơ hội đưa sản phẩm trực tiếp vào Việt Nam.
Theo ông Dương Minh Trí, đại diện cho Liên minh Bỉ-Việt (BVA), ngày càng nhiều công ty Bỉ mong muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt khi Hiệp định EVFTA được thực thi, thuế suất giảm là một trong những ưu đãi đỗi với các nhà đầu tư Bỉ khi muốn mở rộng thị trường ở Đông Nam Á.
Bỉ hiện có 78 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 1,1 tỷ USD, đứng thứ 23 trong số 131 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đầu tư của Bỉ tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực cảng biển, hạ tầng, hậu cần, bất động sản, cấp thoát nước và xử lý chất thải, chế biến và chế tạo, sản xuất và phân phối điện, nông lâm thủy sản…
Tọa đàm được các doanh nghiệp Bỉ đánh giá rất bổ ích, góp phần duy trì và củng cố mối liên hệ thường xuyên giữa Đại sứ quán với các doanh nghiệp Bỉ và là một trong số các hoạt động ngoại giao kinh tế quan trọng của ĐSQ - Phái đoàn Việt Nam tại Bỉ, EU trong năm 2021.