Theo thống kê chính thức, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng trưởng 5,64%. Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt khoảng 4,8% cho cả năm 2021 – một con số thực sự ấn tượng với bạn bè quốc tế, khi cả nước đang gồng mình chống chọi với làn sóng thứ tư của dịch bệnh.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Ottawa, ông Marc Djandji, Giám đốc ASEAN Strategy Group Limited (cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực tiếp cận thị trường, xuất-nhập khẩu, tư vấn quản lý,…), nhận định Việt Nam là một trong những thị trường chứng khoán hoạt động tốt nhất trên thế giới và là một nền kinh tế duy trì sức phục hồi tốt cho đến nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, làn sóng lây nhiễm của dịch COVID-19 mới đây đã khiến các doanh nghiệp ở các thành phố lớn và các trung tâm công nghiệp phần lớn phải đóng cửa, qua đó sẽ hạn chế hoạt động kinh tế của Việt Nam trong những tháng tới. Các lĩnh vực công nghiệp, chế tạo và xây dựng đều bị ảnh hưởng, thu nhập hộ gia đình, tiết kiệm và chi tiêu cũng được dự báo sẽ giảm sút. Tuy nhiên, ông Marc Djandji đánh giá cao ý thức tập thể và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình này, mọi người dân Việt Nam đều hiểu rằng họ phải làm phần việc của mình để vượt qua đại dịch.
Ông Marc Djandji nhấn mạnh sự phục hồi của kinh tế Việt Nam trong năm nay sẽ phụ thuộc vào việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Trên cơ sở đó, ông dự báo trong trung hạn, triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc, được thúc đẩy bởi quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ việc hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút FDI và sức tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực chế tạo.
Cùng chia sẻ quan điểm trên, ông Phil Witherington, Giám đốc Tài chính của tập đoàn Manulife nói: “Chúng tôi vẫn rất lạc quan về sức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù sự trỗi dậy của dịch COVID-19 có thể gây tác động ngắn hạn, tiềm năng của thị trường trong thời gian dài hạn vẫn mạnh mẽ và vững vàng. Chúng tôi nhận thấy chính phủ Việt Nam đang có những bước đi đúng đắn và hợp tác với các công ty như Manulife để bảo vệ người lao động và khách hàng tại Việt Nam, cũng như nỗ lực hành động để khuyến khích kinh tế phát triển".
Ông Phil Witherington cho biết Manulife nhận thấy cơ hội lớn trong việc đáp ứng các nhu cầu về sức khỏe, bảo vệ, tiết kiệm và đầu tư của khách hàng tại Việt Nam. Manulife có lịch sử hoạt động lâu đời tại châu Á và đã có mặt tại các thị trường ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines trong hơn 100 năm. Hiện nay, Manulife đang hiện diện ở 7 trong số 10 thị trường ASEAN. Ông Phil Witherington đánh giá Việt Nam là một trong những câu chuyện kinh tế thành công lớn nhất của khu vực và là một trong những thị trường lớn nhất của Manulife trong ASEAN.
Với dân số ước đạt 120 triệu người vào năm 2050, Việt Nam là một địa chỉ hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Canada. Ngoài lĩnh vực thương mại hàng hóa, nhiều cơ hội hợp tác đã nổi lên trong các lĩnh vực khác như đầu tư, dịch vụ tài chính, phát triển cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực.