Ông Lê Xuân Huyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho biết, với sự nỗ lực của doanh nghiệp và dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương, năm 2023, nguồn cung xăng dầu của tập đoàn vượt kế hoạch đề ra tương đối xa. Năm 2024, ngay từ đầu năm, tập đoàn đã chỉ đạo phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu ít nhất ngang bằng với năm 2023.
Còn theo ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, năm 2024, tập đoàn được Bộ Công Thương phân giao 1,5 triệu m3/tấn, so với sản lượng xuất bán của tập đoàn năm 2023 thì con số này tăng 12%, đối với mặt hàng dầu diesel Bộ Công Thương phân giao tăng 22% so với sản lượng xuất bán của tập đoàn năm 2023.
Căn cứ phân giao của Bộ Công Thương, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam xác định sẽ thực hiện nghiêm túc, bám sát chỉ tiêu Bộ giao cũng như quy định về hạn mức tồn kho tối thiểu. Ngay đầu tháng 1/2024, tập đoàn đã chủ động tạo nguồn mua từ 2 nhà máy trong nước, cũng như nhập khẩu, với lượng tăng khoảng 10% so với sản lượng phân giao bình quân.
Với cách chuẩn bị từ sớm, từ xa, với việc phối hợp chặt chẽ với 2 nhà máy lọc dầu trong nước, cũng như các bạn hàng truyền thống, tập đoàn sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu. “Tập đoàn chủ động thực hiện chức trách của mình, bám sát tổng nguồn phân giao từ đó xây dựng kế hoạch mua hàng để đảm bảo kế hoạch kinh doanh của tập đoàn có hiệu quả, đồng thời, cũng đảm bảo nguồn cung”, ông Trần Ngọc Năm chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề thực hiện hạn mức tối thiểu kế hoạch phân giao, ông Trần Phú Bình - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội cho biết, năm 2023, doanh nghiệp đã đạt 111% so với hạn mức đã điều chỉnh giai đoạn quý III/2023. Đây là kết quả cố gắng của doanh nghiệp và dưới sự chỉ đạo của bộ, ngành. Năm 2024, doanh nghiệp được phân giao hạn ngạch tăng 30% so với kế hoạch năm 2023, tăng 18% so với thực hiện của năm 2023. Tổng công ty Xăng dầu Quân đội sẽ quyết tâm thực hiện kế hoạch được phân giao.
Theo thông tin từ Vụ Thị trường trong nước, tổng nguồn xăng dầu các loại nhập khẩu, mua từ nguồn sản xuất trong nước và pha chế thực hiện cả năm 2023 ước khoảng 26,02 triệu tấn; trong đó, sản lượng nhập khẩu xăng dầu các loại cả năm 2023 ước khoảng 10,2 triệu tấn.
Về tổng nguồn tối thiểu năm 2024, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, căn cứ kết quả nhập khẩu kinh doanh xăng dầu năm 2023, căn cứ vào đăng ký tổng nguồn của thương nhân, đầu mối năm 2024, khả năng nhập khẩu, pha chế… của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã công bố cơ cấu nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất tiêu dùng năm 2024.
Theo đó, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu tổng cộng gần 28,42 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Ngày 29/12/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 9327 về việc giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Tại cuộc họp chiều qua ngày 3/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng ghi nhận, các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước như Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đều nỗ lực rất cao, sản xuất vượt trên công suất thiết kế, ngay cả doanh nghiệp xăng dầu Nghi Sơn, nếu như năm trước khó khăn là vậy, năm nay vướng vào thời kỳ bảo dưỡng định kỳ nhưng các doanh nghiệp đã chủ động nguồn hàng, rút ngắn thời gian bảo dưỡng, cung cấp ra thị trường sản lượng cao hơn cam kết. Điều này đã góp phần bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu cho cả nước.
Để bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ kinh doanh xăng dầu cần quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành.
Đồng thời phải thực hiện những chỉ đạo của Chính phủ, liên Bộ, từng Bộ, địa phương; trong đó có quy định về việc áp dụng phần mềm quản lý để bảo đảm khách quan, minh bạch, xuất hóa đơn điện tử trong kinh doanh xăng dầu theo Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm sản lượng phân giao tối thiểu theo năm, theo tháng, quý. Từ hoạt động thực tiễn của các doanh nghiệp, chủ động phản ánh đề xuất về những cơ chế chính sách hoặc những giải pháp tình thế, đặc thù để có thể đối phó một cách hiệu quả đối với diễn biến bất thường của thị trường xăng dầu thế giới và phải có trách nhiệm với những kiến nghị đề xuất đó.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm tổng nguồn cung xăng dầu tối thiểu được phân giao, có kế hoạch triển khai theo tháng, quý.
Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành hữu quan và cấp ủy, cơ quan địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quản lý vận hành hệ thống kinh doanh xăng dầu, nhất là việc chủ động hướng dẫn các thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh xăng dầu; tiến hành việc thanh kiểm tra thường xuyên, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định; góp phần thực hiện hiệu quả điều hành, bình ổn giá mặt hàng xăng dầu, hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân...