Doanh nghiệp lo lắng chi phí tăng vọt
Ngày 1/12/2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1284/CĐ-TTg về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Trước đó, ngày 18/11/2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1123/CĐ-TTg về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.
Đồng tình với quy định của nhà nước, nhưng không ít doanh nghiệp lo lắng việc xuất hóa đơn bán lẻ xăng dầu sẽ làm đội chi phí.
Ông Đặng Hoài Phương, Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Phương Nam Lâm Đồng cho biết trước đây chi phí bình quân về việc xuất hóa đơn của một cửa hàng khoảng 1 triệu đồng/năm. Hiện tại, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhận báo giá của các công ty phần mềm, cung cấp hóa đơn điện tử với chi phí từ 100 - 165 triệu đồng/năm. Mức đầu tư này cao gấp hơn 100 lần so với hóa đơn mà doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang sử dụng, dẫn đến làm đội chi phí, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Còn ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ, cũng trăn trở về việc xuất hóa đơn mỗi mã bơm xăng dầu. Theo ông Dũng, để xuất hóa đơn thì mỗi cửa hàng xăng dầu phải đầu tư từ 400 - 700 triệu đồng cho phần cứng, chưa nói đến phần mềm và các chi phí khác liên quan. Tất cả các khoản đầu tư đó, hiện nay các doanh nghiệp bán lẻ không biết xoay xở ở đâu.
Tương tự, ông Đỗ Thanh Hán, Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Sài Gòn, chia sẻ, quá trình triển khai hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu đã chuẩn bị 2 năm. Trên thực tế, xuất hoá đơn chỉ diễn ra khi mọi việc bình thường nhưng khi xảy ra sự cố như đang bơm hàng thì mất kết nối mạng internet, mất điện, lỗi dầu đổ vào xăng, xăng đổ vào dầu, người mua đem xăng dầu trả lại... thì có xuất hoá đơn không và tính thuế ra sao?
Cần lộ trình triển khai hóa đơn điện tử bán lẻ
Trước thực tế triển khai có những khó khăn, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Tổng cục Thuế có thể giãn thời gian chính thức áp dụng lên khoảng 6 tháng để doanh nghiệp chuẩn bị.
Bà Trần Thụy Thùy Trâm, Giám đốc Công ty TNHH TM Đoan Việt, đề xuất, nếu buộc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải xuất hoá đơn điện tử từng lần bơm thì phải có chi phí kinh doanh định mức, hiểu nôm na là hoa hồng. Hiện nay, mức chiết khấu doanh nghiệp nhận được chỉ 300 - 400 đồng/lít xăng nhưng phải chịu nhiều chi phí về lương thưởng, bảo hiểm xã hội cho nhân viên, thuế, chi phí vận chuyển… Sắp tới, doanh nghiệp còn phải gánh thêm chi phí cho hoá đơn điện tử và hệ thống phần mềm quản lý về hoá đơn điện tử thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Cần phải có thời gian thích hợp và lộ trình cụ thể vì hầu hết doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn sau đại dịch”, bà Trần Thùy Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đoan Việt nêu quan điểm.
Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Đồng Nai, cho biết, các doanh nghiệp phân phối xăng dầu đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, việc triển khai hóa đơn điện tử bán lẻ trong xăng dầu, cơ quan chức năng cần có lộ trình cụ thể để các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa từng bước hoàn thiện.
Về phía cơ quan quản lý, ông Mai Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định, việc triển khai hóa đơn điện tử trong doanh nghiệp xăng dầu thành công sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và Nhà nước. Điều này giúp hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp minh bạch, tránh thất thu thuế. Hóa đơn điện tử áp dụng với xăng dầu cũng như bán mặt hàng khác, nếu có vướng mắc trong quá trình sử dụng, cơ quan thuế sẽ cùng với các nhà cung cấp giải pháp và các đơn vị trung gian tiếp nhận thông tin và sẽ xử lý kịp thời. Tổng cục Thuế sẽ xử lý tất cả các vấn đề liên quan, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, không để chậm trễ.
Luật sư Lê Bá Thường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Văn hóa doanh nghiệp cho rằng, mỗi chính sách đưa ra đều có ưu điểm và nhược điểm. Hóa đơn điện tử có ưu điểm chi phí rẻ hơn hóa đơn giấy, lưu trữ tốt, thuận lợi trong thống kê, quyết toán thuế cho doanh nghiệp và cơ quan thuế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xăng dầu vẫn gặp những khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp khối tư nhân. Cụ thể, chưa thống nhất về phần mềm được sự đảm bảo của cơ quan thuế. Bên cạnh đó là các khoản định mức, chiết khấu, hoa hồng, cơ quan thuế cần cũng tìm hiểu để đưa ra giải pháp phù hợp.
Ông Lê Bá Trường đề xuất, phía cơ quan thuế nếu có thể cần xây dựng một phần mềm hóa đơn điện tử với phần mềm kế toán thống nhất của Tổng Cục Thuế cho tất cả các doanh nghiệp sử dụng. Bên cạnh đó, cần gia hạn thêm thời gian và đưa ra lộ trình áp dụng, có thời gian tập huấn cho các doanh nghiệp nhằm đảm bảo tốt cho các hoạt động của doanh nghiệp và đảm bảo ý nghĩa của hóa đơn điện tử mang lại.