Trong đó, việc thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít những khó khăn.
Năm 2017, TP Hồ Chí Minh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng 8,4% - 8,7%; tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP từ 36% trở lên. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 35% GRDP; thành lập mới 50.000 doanh nghiệp; thu ngân sách đạt 100% dự toán. Bên cạnh đó, nỗ lực nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR-index).
Để thực hóa mục tiêu đó, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, chính quyền thành phố luôn khẳng định cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn, rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp... Từ đó, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển với nhận thức rằng sự phát triển thịnh vượng của doanh nghiệp cũng chính là sự phát triển của thành phố. Trong dài hạn, thành phố sẽ tập trung phát triển kinh tế ở trình độ cao hơn dựa trên đổi mới sáng tạo, hàm lượng tri thức, công nghệ tiên tiến và năng suất cao. Đồng thời, kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, trong đó lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy kinh tế.
Nền kinh tế thế giới đang có sự chuyển động không ngừng, tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lấy sự phát triển khoa học công nghệ, số hóa, tư liệu mở... làm nền tảng sự phát triển. TP Hồ Chí Minh đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nên cũng đứng trước những thời cơ và thách thức.
Người dân thực hiện các giao dịch hành chính nhanh hơn khi thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính. Ảnh: Hoàng Tuyết |
Các chuyên gia cho rằng, bước vào giai đoạn mới, đòi hỏi thành phố phải có một bước chuyển căn bản về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, để hội nhập thành công và phát triển bền vững. Hoạt động kinh tế chủ yếu của thành phố trong dài hạn là dịch vụ và sáng tạo, trọng tâm là xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh để hướng đến mục tiêu 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020; xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố công nghệ - đô thị thông minh và có những tập đoàn của thành phố nằm trong top 500 tập đoàn hàng đầu thế giới.
Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ nói chung, cũng như sự cam kết của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh nói riêng, trong việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, mong muốn các sở, ngành thành phố quan tâm và đồng hành cùng doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cũng như quốc gia. Chính quyền thành phố cần tạo được bước đột phá trong hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, doanh nghiệp được tiếp sức để vươn lên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Chu Tiến Dũng, trong vai trò của mình, Hiệp hội đã không ngừng kết nối doanh nghiệp với các sở ngành thành phố, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, khảo sát thực tế hiện nay cho thấy, mặc dù số lượng và niềm tin doanh nghiệp tăng lên, nhưng quy mô và chất lượng doanh nghiệp vẫn chưa cao. Đơn cử, năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 36.339 doanh nghiệp, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký đạt hơn 292.000 tỷ đồng, tăng 49,9%; vốn bình quân một doanh nghiệp đạt 8,3 tỷ đồng, tăng 31,3% so với năm 2015.
Đồng quan điểm, ông Kiều Huỳnh Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí - Điện TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong thời gian qua, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố đã đạt được hiệu quả nhưng chưa như kỳ vọng, do số lượng doanh nghiệp tiếp cận còn hạn chế bởi vướng cơ chế chính sách.
Đối với ngành cơ khí điện và cao su nhựa hiện nay, có 80 doanh nghiệp siêu nhỏ nằm ngoài các khu công nghiệp không hình thành được các chuỗi liên kết, tạo được nguồn lực, không đủ điều kiện tiến hành hồ sơ vay vốn và tiếp cận các chương trình kích cầu của thành phố. Vì vậy, các sở ngành thành phố cần làm cách nào để mở đường cho doanh nghiệp vào khu chế xuất - khu công nghiệp, song song với những giải pháp khác. Thông qua đó, hình thành các cụm và tiểu khu chuyên ngành cơ khí điện và cao su nhựa, có quy mô nhà xưởng phù hợp với yêu cầu thực tế và năng lực doanh nghiệp.
Còn ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, cho hay, xây dựng năng lực cạnh tranh, mặc dù trước hết phải xuất phát từ tầm nhìn của doanh nghiệp, nhưng không thể phủ nhận vai trò hỗ trợ to lớn của hiệp hội và cơ quan quản lý Nhà nước. Trong đó, có những vấn đề vượt quá khả năng của doanh nghiệp và hiệp hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của cơ quan quản lý Nhà nước như việc xây dựng Bộ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm Quốc gia hay hàng rào kỹ thuật liên quan đến các Hiệp định thương mại tự do.
Bên cạnh việc ghi nhận các ý tưởng hiến kế và tinh thần trách nhiệm cao của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển của thành phố, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, thẳng thắn thừa nhận: Hiện nay, vẫn tồn tại những vấn đề về cải cách thủ tục hành chính cũng như cơ chế chính sách mà doanh nghiệp chưa hài lòng, do đó thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện trong thời gian tới. Điển hình, cải cách thể chế hành chính đã được xác định là một trong những vấn đề trọng tâm để xây dựng cơ chế chính sách đột phá, tạo nền tảng vững chắc cho thành phố phát triển nhanh và mạnh hơn.
Theo ông Đinh La Thăng, với việc tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do, thị trường nội địa không phải là của riêng Việt Nam mà đã trở thành thị trường khu vực và quốc tế, do đó song song với việc vươn ra thị trường thế giới doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển bền vững tại thị trường trong nước. Vì vậy, ngoài sự hỗ trợ của thành phố, doanh nghiệp phải chủ động đổi mới công nghệ, đổi mới thiết bị... để đón nhận cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo kịp các nước trong khu vực và thế giới.
Về phía các sở ngành thành phố, ông Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm hơn với doanh nghiệp, người dân, để tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tốt cho các thành phần kinh tế phát triển, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của thành phố.