Hệ thống bán lẻ trong nước còn manh mún, tự phát, thiếu quy hoạch tổng thể, dài hạn. Theo các chuyên gia, trong khi các hãng bán lẻ ngoại ngày càng lớn mạnh, nếu các doanh nghiệp nội không tích cực thay đổi thì sẽ thua ngay trên sân nhà.
Nhiều bất cập nội tại
Với tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tăng liên tục từ năm 2000 đến nay và đạt mức 2.618.000 tỷ đồng vào năm 2013, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ rất hấp dẫn. Tuy nhiên, mạng lưới bán lẻ của Việt Nam lại chưa theo kịp tốc độ phát triển này.
Hệ thống bán lẻ trong nước còn yếu về sức cạnh tranh so với các DN bán lẻ ngoại. Ảnh:Quang Quyết - TTXVN |
“Hệ thống bán lẻ của Việt Nam còn nhỏ bé, mang tính tự phát, thiếu ổn định, thiếu quy hoạch cụ thể. Giá cả còn thiếu tính cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú. Việc mua sắm tại các chợ và cửa hàng bán lẻ truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn so với siêu thị. Tại khu vực nông thôn rất hiếm siêu thị, các chợ thì xuống cấp. Mặt khác, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong hệ thống bán lẻ”, TS Nguyễn Thành Công, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội nhận định.
“Một trong những điểm yếu muôn thuở của hệ thống bán lẻ Việt Nam là liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ rất yếu. Hậu quả là nông sản Việt Nam xuất hiện rất ít trong siêu thị, trong khi người nông dân không biết bán nông sản cho ai. Cần phải hình thành một chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, chứ như hiện nay, hàng triệu người bán hàng, mỗi người một phách thì không ai quản lý nổi”.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội. |
Thực tế, so với các hệ thống bán lẻ nước ngoài, hệ thống bán lẻ Việt Nam hiện nay còn thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đặt yêu cầu phục vụ khách hàng lên hàng đầu. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ của Hà Nội đóng cửa quá sớm. Trong khi Hà Nội là thành phố du lịch, nhu cầu shopping của du khách rất lớn. Tại các nước khác, hệ thống siêu thị đóng cửa muộn, thậm chí mở cửa 24/24 giờ.
Còn theo ông Phan Thế Ruệ, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, muốn phát triển hệ thống bán lẻ, phải có 4 yếu tố là: Vị trí phù hợp; chất lượng và giá cả hợp lý; tổ chức bán hàng chuyên nghiệp; nguồn nhân lực có chất lượng cao. Tuy nhiên, cả 4 yếu tố này Việt Nam đều chưa đáp ứng được, đặc biệt là khâu lựa chọn vị trí mở cửa hàng. “Nhiều chợ, siêu thị mở ra không có khách là do chúng ta không điều tra về nhu cầu mua sắm của người dân. Xây dựng ở một nơi không phù hợp hoặc thiết kế bất hợp lý khiến người dân không vào”, ông Ruệ cho biết.
Cũng theo ông Ruệ, nhiều nơi nhân viên vẫn bán hàng theo kiểu bao cấp “khách cần mình chứ mình không cần khách”. Chính điều này đã cản trở sự phát triển của ngành bán lẻ trong nước.
Mở cửa nhưng không thả nổi
“Siêu thị tại Hà Nội làm việc hành chính quá, 9 - 10 giờ tối đã đóng cửa, du khách biết mua hàng ở đâu?”.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu, quản lý kinh tế TƯ. |
Mặc dù còn nhiều yếu kém song các chuyên gia vẫn đánh giá cao về tiềm năng phát triển của ngành bán lẻ nội địa. Kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO, rất nhiều thương hiệu hàng hóa cũng như các DN nước ngoài đã đến Việt Nam. Từ nay đến năm 2015, sẽ có thêm nhiều hiệp định thương mại được kí kết, khả năng các DN nước ngoài vào Việt Nam càng lớn. Các hãng bán lẻ ngoại ngày càng nhiều tại Việt Nam sẽ tạo áp lực cạnh tranh, buộc các DN trong nước phải tự đổi mới để phát triển.
“Mới đây, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan đã mua lại toàn bộ hệ thống bán buôn của Metro Group (Đức) tại Việt Nam. Đối với người tiêu dùng trong nước, đây là một tín hiệu đáng mừng bởi họ có thể sử dụng hàng Thái Lan với chất lượng và giá thành được bảo đảm. Tuy nhiên, các DN Việt Nam phải lo cạnh tranh với hàng Thái. Đây là cuộc cạnh tranh không cân sức”, bà Vũ Thị Hậu, Phó TGĐ Công ty Nhất Nam (hệ thống siêu thị Fivimart) nói.
Mặc dù hàng ngoại có thể tràn ngập thị trường Việt Nam nhưng theo TS Lê Đăng Doanh, nền kinh tế mở cửa không có nghĩa là để cho hàng hóa nước ngoài ồ ạt tràn vào mà Nhà nước vẫn cần phải có các “hàng rào” kĩ thuật để kiểm soát chặt chẽ chất lượng. Điều này cũng góp phần trợ lực cho hàng nội phát triển. “Nhật Bản kiểm duyệt rất chặt đồ chơi Trung Quốc thông qua các tiêu chuẩn về mức độ độc hại, an toàn vệ sinh đối với trẻ em. Bởi thế mà khắp nước Nhật hầu như không thấy đồ chơi của Trung Quốc”, ông Doanh dẫn chứng.
Về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết thêm, Nhà nước cần có các biện pháp quản lý DN nước ngoài, không để xảy ra tình trạng chuyển giá, trốn thuế của các DN này, tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho DN trong nước.
Hoàng Dương