Đề xuất này xuất phát từ lo ngại về việc thép giá rẻ Trung Quốc có thể tràn vào Việt Nam do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, kéo theo giá thép trên thị trường giảm mạnh. Tuy nhiên, đề xuất đang vấp phải phản ứng của nhiều doanh nghiệp bởi theo họ sẽ gây nhiều khó khăn cho hoạt động, làm tăng chi phí sản xuất và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo số liệu của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng của doanh nghiệp trong nước tính đến tháng 12/2018 đạt 3,4 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ thép cán nóng trong nước là hơn 10 triệu tấn/năm. Như vậy, sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 35% nhu cầu cả nước.
Dự kiến đến cuối năm 2019, khi dây chuyền cán nóng của Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động và đến khi chạy đủ công suất thiết kế của cả hai nhà máy Hòa Phát Dung Quất và Formosa thì lượng HRC cũng không đáp ứng được nhu cầu trong nước (ước tính đạt gần 70% nhu cầu), số còn lại khoảng 4 triệu tấn vẫn cần phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cho rằng, việc tăng thuế sẽ tác động trực tiếp đến giá nguyên liệu HRC trên thị trường, tăng chi phí đầu vào và giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các đơn vị chưa có dây chuyển sản xuất HRC. Hơn nữa, nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu và chỉ với 2 nhà cung cấp có thể xảy ra tình trạng mất cân bằng trong quyết định giá mua bán trên thị trường nội địa, kéo theo việc thao túng giá nguyên liệu...
Theo báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam, HRC nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản; trong đó, nguồn Trung Quốc có lượng nhập khẩu lớn nhất lại không bị ảnh hưởng bởi việc điều chỉnh thuế MFN sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) là 0%. Việc tăng thuế sẽ chỉ tác động đến các nguồn từ Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc) hay Nhật Bản vì đang được hưởng mức thuế MFN là 0% do chưa có ưu đãi đặc biệt hay mức thuế tại Hiệp định song phương cao hơn. Như vậy, việc tăng thuế MFN có thể sẽ dẫn đến việc hướng sử dụng nguồn HRC của Trung Quốc nhiều hơn.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng mức thuế nhập khẩu cần hết sức cẩn trọng, đảm bảo được tính tự do trong thương mại, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng như cân đối được lợi ích và thiệt hại khi xảy ra phản ứng đáp trả tiêu cực từ các nước chịu tác động thông qua các mặt hàng khác mà Việt Nam đang xuất khẩu. Trong khi đó, mục đích ngăn chặn nguồn hàng nhập khẩu giá rẻ và bảo vệ nền sản xuất trong nước chưa đạt được.
Do vậy, ông Phạm Công Thảo cho biết, Tổng công ty đề nghị không điều chỉnh mức thuế nhập khẩu đối với thép cán nóng mã HS 72.08.
Đồng quan điểm trên, ông Võ Hoàng Vũ, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Thép Nam Kim cho biết, Công ty có công suất tôn mạ hơn 1 triệu tấn/năm và luôn ưu tiên mua nguyên liệu từ các nhà sản xuất trong nước. Tuy nhiên, do công suất có hạn nên các nhà sản xuất trong nước chỉ cung cấp theo quota giới hạn và chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu. Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thép cán nguội của Công ty luôn cấp bách.
Ông Vũ cho rằng, việc áp thuế nhập khẩu trong nước thời gian tới (nếu có) là chưa phù hợp khi năng lực sản xuất và cung ứng mặt hàng này chưa đáp ứng được quá 50% nhu cầu trong vòng 3 năm tới. Bên cạnh đó, tác động tiêu cực do tình trạng độc quyền đến các nhà sản xuất tôn mạ trong nước, làm suy giảm sức cạnh tranh xuất khẩu mặt hàng tôn mạ Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Còn theo ông Lê Việt, Phó Tổng giám đốc Công ty Tôn Phương Nam, cần hủy bỏ việc tăng thuế suất 5% đối với HRC. Bởi dù hiện nguyên liệu đầu vào của Công ty là thép cán nguội (CRC), nhưng việc áp dụng tăng thuế 5% đối với thép cuộn cán nóng HRC hiển nhiên sẽ tác động ngay đến chi phí đầu vào cho nguyên liệu CRC. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất tôn mạ nói chung và Công ty nói riêng.
“Một khi giá HRC tăng 5% sẽ khiến chi phí sản xuất tăng theo. Việc xây dựng giá cho xuất khẩu sẽ rất bất lợi nếu so sánh với các nước khác và cũng có thể Việt Nam trở thành thị trường nhập khẩu tôn mạ vì các nước khác có giá rẻ hơn”, ông Lê Việt nói.
Thống kê những tháng đầu năm 2019 của Hiệp hội Thép cho thấy, Việt Nam nhập khẩu thép cuộn cán nóng từ Trung Quốc chiếm 35%, Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 32% tổng lượng nhập, còn lại là các thị trường khác.
Hiệp hội Thép Việt Nam khẳng định nếu tăng thuế lên 5%, lượng thép cuộn cán nóng từ Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Brazil sẽ phải chịu mức thuế 5%, thay vì 0% như hiện nay do Việt Nam chưa có FTA với những quốc gia và vùng lãnh thổ này. Trong khi đó, riêng Trung Quốc được hưởng thuế 0% theo Hiệp định ACFTA. Khi đó, thép từ các thị trường này sẽ không thể cạnh tranh được với thép Trung Quốc. VSA dự báo thép cuộn cán nóng từ Trung Quốc sẽ chiếm tới 70 - 80% nếu như tăng thuế. Ngay cả khi các nhà máy trong nước có cung cấp được thép cuộn cán nóng thì đối với một số chủng loại sản phẩm yêu cầu chất lượng cao thì các doanh nghiệp vẫn cần nhập khẩu.
"Hiện giá thép cuộn cán nóng sản xuất nội địa đang cao hơn giá nhập khẩu của Việt Nam từ 15 - 20 USD/tấn, tương ứng 3 - 4%. Nếu tăng thuế 5% thì giá nguyên liệu trung bình tại Việt Nam cao hơn giá thế giới từ 8 - 9%, giá thành phẩm cũng tăng tương ứng. Như vậy, doanh nghiệp tôn mạ không thể bán đi các nước được, ở thị trường trong nước cũng không cạnh tranh được với tôn màu nhập khẩu", Hiệp hội Thép phân tích.
Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), thép cán nóng hiện nay trong nước là nguồn nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến chế tạo rất lớn, ngoài cán thép. Hiện mới có doanh nghiệp Formosa cung ứng sản phẩm này và sắp tới sẽ có thêm Hòa Phát, nhưng về cơ bản vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Do vậy, theo ông Hoài, trong quá trình tính toán, đề xuất tăng thuế nhập khẩu mặt hàng này cần phải có sự cân nhắc để đưa ra mức hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp chế biến chế tạo. Vì vậy, chưa nên tăng thuế trong thời điểm hiện nay.
Theo Bộ Tài chính, thép cuộn cán nóng là đầu vào sản xuất thép cán nguội và mặt hàng tôn mạ màu. Việc tăng thuế MFN từ 0% lên 5% sẽ tác động làm tăng thu ngân sách nhà nước với số thuế nhập khẩu ước tăng 137,15 triệu USD, tương đương 3.152 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi mức thuế suất được tăng lên 5% thì các doanh nghiệp sẽ tìm nguồn nhập khẩu từ các nước có thuế suất ưu đãi đặc biệt 0% (Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc) nên số thu ngân sách thực tế sẽ thấp hơn con số tính toán.