Doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng hơn 26%

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: 7 tháng của năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là gần 139.500 doanh nghiệp, trong khi có 125.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 7,3%, nhưng số vốn đăng ký giảm 13%. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 7,5 tỷ đồng, giảm 17,6% so với tháng trước và giảm 18,9% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 6.800 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,2% so với tháng trước và giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2023.

“Những con số trên phản ánh sự “thận trọng” của cộng đồng doanh nghiệp về kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho hay.

Riêng tháng Bảy, cả nước có 14.700 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là hơn 110.000 tỷ đồng, giảm 6,3% về số doanh nghiệp và giảm 22,8% về vốn đăng ký so với tháng 6/2024.

Tính chung 7 tháng năm 2024, cả nước có hơn 95.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 854.600 tỷ đồng, lần lượt tăng 6,3% về số doanh nghiệp và tăng 2,4% về vốn đăng ký. Như vậy, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới tương ứng đạt 9 tỷ đồng, vẫn giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Nếu tính cả 919.200 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của hơn 27.100 doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng là 1.773,8 nghìn tỷ đồng, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, cả nước có gần 44.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2024 lên gần 139.500 doanh nghiệp, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Như vậy, bình quân một tháng có hơn 19.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo khu vực kinh tế, 7 tháng có 919 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực công nghiệp và xây dựng có 22.400 doanh nghiệp, tăng 4,8% và 71.900 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 6,8%.

Về ngành/lĩnh vực đăng ký kinh doanh, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết có 9/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó gồm: vận tải kho bãi tăng 20,4%; đứng sau là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy tăng 14%; sản xuất phân phối điện, nước, gas tăng 12,5%...

Ngoài ra, ngành kinh doanh bất động sản và xây dựng cũng nằm trong nhóm tăng nhưng khá thấp, lần lượt ở mức 2,5% và 1,1%.

Ở chiều ngược lại, trong tháng Bảy có 6.837 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 26,2% so với tháng trước và giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2023; có 7.035 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 30,2% so với tháng trước và tăng 33,8% so với cùng kỳ. Ngoài ra, có 1.730 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 22,4% so với tháng trước nhưng tăng 9,4% so với cùng kỳ.

Tính chung 7 tháng năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 78.000 doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; hơn 35.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 1,5% so với cùng kỳ; và có 11.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 14,5% so với cùng kỳ.

Nhìn chung, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 125.500 doanh nghiệp, tương ứng bình quân một tháng có hơn 17.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Về ngành/lĩnh vực đăng ký kinh doanh, ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có tốc độ doanh nghiệp giải thể tăng nhanh so với cùng kỳ năm ngoái với 32,3%; vận tải kho bãi tăng 8,4% và công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,4%...

Chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Nguyễn Bích Lâm cho biết: Mặc dù, doanh nghiệp đã nỗ lực trong tìm kiếm thị trường và lao động, do tổng cầu trong nước và thế giới phục hồi chậm nên doanh nghiệp vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức.

Đề xuất giải pháp, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng, song song với việc duy trì chính sách tài khóa mở rộng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực để đón đà phục hồi của ngành du lịch và thương mại toàn cầu theo hướng tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng.

Cùng với đó, khai thác tối đa hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; thúc đẩy ký kết FTA với các thị trường mới; tạo thuận lợi tối đa, hỗ trợ doanh nghiệp trong thông quan hàng hóa, chuyển đổi để đáp ứng kịp thời các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh đối với hàng hóa xuất khẩu.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ này sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đẩy mạnh sự tiên phong, đổi mới của mình và tiếp tục lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để làm đầu mối tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Xi măng Việt Nam cho rằng, tình hình tiêu thụ của các doanh nghiệp xi măng vẫn còn nhiều khó khăn mà nguyên nhân là giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, thị trường bất động sản chậm phục hồi… Do đó, cần đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Còn theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, hiện ngành công nghiệp bán dẫn đang là xu hướng toàn cầu và có nhiều tiềm năng để phát triển. Vì vậy, cần tiếp tục khuyến khích đầu tư, cung cấp học bổng cho các sinh viên trong ngành này. Hiệp hội sẵn sàng hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội việc làm cho các sinh viên ngành bán dẫn.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các hiệp hội tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, cập nhật kinh nghiệm quốc tế và chủ động tìm hiểu đầu tư vào các ngành nghề có thế mạnh. Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đầu mối về quản lý, phát triển doanh nghiệp sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền, tham mưu, sửa đổi các giải pháp, chính sách phù hợp.

Thúy Hiền  (TTXVN)
Muốn thành lập doanh nghiệp phải làm những gì?
Muốn thành lập doanh nghiệp phải làm những gì?

Việc xác định và đi đúng trình tự thành lập công ty ngay từ đầu sẽ giúp cho nhà đầu tư có những bước đi đầu thuận lợi và vững chắc. Trước khi mở công ty, chủ đầu tư doanh nghiệp cần nắm rõ những vấn đề pháp lý liên quan. Công ty Luật INNOSIGHT đưa ra ý kiến hỗ trợ tư vấn mở công ty như sau:

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN