Những nước lớn như Mỹ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, EU, Canada… không ngừng đưa ra các điều kiện để bảo hộ cho hàng hóa nước mình, gây khó cho hàng hóa các nước khác tràn vào, trong đó có hàng Việt Nam.
Gia tăng vụ kiện
Thống kê từ Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), tính đến tháng 10/2018, đã có hơn 140 vụ việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại liên quan tới hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Xu hướng các vụ kiện phòng vệ thương mại trên thế giới nhằm vào hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu tập trung vào kiện chùm, kiện chống lẩn tránh thuế, kiện domino, kiện kép (kiện đồng thời chống bán phá giá và chống trợ cấp). Một số vụ việc kiện đã tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước như Mỹ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với pin năng lượng mặt trời, thép cán nguội và thép carbon chống mòn, tôm, cá da trơn...; Úc điều tra chống bán phá giá với dây thép; Canada điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm khớp nối bằng đồng của Việt Nam…
Trong đó, năm 2018 chỉ có 1 vụ Thép Hòa Phát thắng kiện và không bị áp thuế chống bán phá giá vào thị trường Úc, thể hiện sự tích cực, chủ động của doanh nghiệp (DN) này trong các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Còn lại, đa phần các DN của ta đều gặp bất lợi trước các vụ kiện của nước ngoài. Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, đại diện Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết: Hầu hết các vụ kiện chống bán phá giá thường có thời hạn rất ngắn, các yêu cầu về kỹ thuật rất phức tạp, trong khi DN Việt Nam không phải lúc nào cũng sẵn sàng cho các vụ kiện ở nước ngoài.
Trước các rào cản thương mại, DN Việt, chủ yếu là DN vừa và nhỏ, thường bị động, thiếu thông tin, thiếu nguồn nhân lực có kinh nghiệm về phòng vệ thương mại dẫn đến bị thua thiệt.
Đồng quan điểm, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, với nền kinh tế thị trường, việc các quốc gia áp dụng rào cản thương mại nhằm bảo hộ sản phẩm trong nước là điều khó tránh khỏi. Trong khi đó, DN Việt Nam thường bị động, chỉ khi có vấn đề xảy ra mới lo xử lý. Thậm chí có những DN không chịu phối hợp với cơ quan chức năng để cùng xử lý các rào cản thương mại của nước ngoài.
Quy mô sản xuất vừa và nhỏ, thiếu liên kết và không theo tiêu chuẩn quốc tế là những bất cập nội tại của DN Việt Nam để khi có vấn đề xảy ra, DN Việt khó chứng minh được tính "hợp pháp" cho hàng hóa của mình.
Để không “vấp ngã” khi ra biển lớn
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), hiện tiến trình tự do hoá thương mại toàn cầu ngày càng sâu rộng, các hàng rào thương mại truyền thống như thuế quan dần dần được dỡ bỏ, các cam kết mở cửa thị trường được đẩy mạnh cùng với sự gia tăng của các hiệp định thương mại tự do.
"Do đó, các DN trong nước cần nâng cao hiểu biết về công cụ phòng vệ thương mại cũng như tăng hiệu quả kháng kiện", TS Nguyễn Văn Nam nhận định.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, việc nắm rõ luật và làm theo luật là rất quan trọng với các DN. Trên cơ sở nắm rõ luật pháp các nước, các DN sẽ có những thay đổi, cải tiến trong sản xuất, kinh doanh, trong hoạt động xuất nhập khẩu để phù hợp với các công ước, quy định quốc tế.
Chẳng hạn trong lĩnh vực thủy sản, trong năm 2018, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) là DN Việt Nam được hưởng thuế chống bán phá giá thấp nhất so với các DN xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Đại diện DN này cho biết: Ngoài việc đầu tư, chủ động về vùng nguyên liệu thì DN đã chú ý đến quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn về chất lượng được Mỹ chú trọng. Đó là cơ sở để DN "kháng cự" khi hàng hóa bị phía Mỹ kiện chống bán phá giá hay yêu cầu áp thuế.
Mặt khác, các DN cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cung cấp thông tin, ứng phó với các vụ kiện của nước ngoài.
Ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ kinh nghiệm thắng kiện của Úc là phải luôn chủ động, tích cực tham gia phối hợp với các đoàn điều tra, cung cấp mọi thông tin cần thiết để chứng minh sản phẩm của mình không bán phá giá, không được nhà nước bảo hộ về chi phí sản xuất…
"Bên cạnh đó là cần chủ động làm việc, thuê các luật sư có kinh nghiệm ở chính quốc gia đang khởi kiện nhằm đưa ra những phương thức xử lý phù hợp với luật pháp quốc tế, quy định của các nước sở tại", ông Trần Tuấn Dương cho hay.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu các Tham tán thương mại đẩy mạnh hỗ trợ DN tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu. Song song với đó, Bộ đẩy mạnh làm việc với Mỹ và châu Âu để xem xét lại chính sách kinh tế thị trường đối với Việt Nam.
Một giải pháp về lâu dài cũng được đại diện Bộ Công Thương đưa ra, đó là DN cần mở rộng thị trường để không bị động mỗi khi bị một nước nào đó kiện phòng vệ thương mại.
Như trường hợp của Thép Hòa Phát, sản phẩm thép đã xuất khẩu đi 14 nước trên thế giới, không quá phụ thuộc vào nước nào, trong đó nhiều nước nằm trong CPTPP như Nhật Bản, New Zealand, Úc, Brunei, Mỹ, Canada, Singapore. "Với thị trường Úc, sau khi thắng kiện chống bán phá giá, sản lượng xuất khẩu thép Hòa Phát sang thị trường này tiếp tục được đẩy mạnh", ông Trần Tuấn Dương cho hay.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, các vụ việc phòng vệ thương mại mà DN nội phải đối mặt trên thị trường thế giới sẽ ngày càng nhiều, nhất là trong bối cảnh chính sách bảo hộ thương mại cực đoan đang được nhiều nước tận dụng.
Do đó, biện pháp khả thi nhất nhằm giảm rủi ro là DN phải chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiện Việt Nam đang có giao thương với 200 quốc gia trên thế giới, nhưng hàng hóa Việt chỉ mới xuất khẩu được hơn 50 nước.