Ngày 12/7, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào đã đến trao đổi, làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Phet Phomphiphak, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào - Việt Nam.
Tại buổi làm việc, hai bên ghi nhận những kết quả đạt được của Ủy ban hợp tác hai nước trong thời gian qua; đồng thời, cùng nhau thống nhất sẽ rà soát cơ chế hợp tác để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hợp tác hai nước về kinh tế, đầu tư, thương mại… nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước tương xứng với tiềm năng thế mạnh hai bên, phù hợp với mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết toàn diện, hợp tác toàn diện đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp.
Hai bên nhận định, quan hệ Việt Nam - Lào đang phát triển hết sức tốt đẹp, toàn diện trên nền tảng ngày càng tin cậy và gắn bó. Hợp tác kênh Đảng giữ vai trò nòng cốt, đã và đang định hướng, dẫn dắt quan hệ phát triển mạnh mẽ.
Hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại tiếp tục tiến triển tích cực và hiệu quả hơn, hợp tác kinh tế vùng biên phát triển năng động, không chỉ gia tăng độ gắn kết giữa 2 nước, mà còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống bà con vùng biên Việt Nam - Lào.
Việt Nam tiếp tục là một trong những nhà đầu tư, đối tác thương mại lớn nhất của Lào và hiện có 255 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Lào, với tổng vốn đầu tư 5,5 tỷ USD. Điều này đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, được lãnh đạo và người dân Lào đánh giá cao. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở Lào đã giúp tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân Lào, từng bước nâng cao đời sống của người Lào.
Ở chiều ngược lại, Lào hiện có 18 dự án đầu tư đang triển khai ổn định tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt trên 110 triệu USD. Doanh nghiệp Lào luôn được các cơ quan chức năng của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu tư, kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Phet Phomphiphak đánh giá cao hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn đóng góp quan trọng cho kinh tế xã hội Lào, với phần lớn các khoản đầu tư là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.