Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng trong khi hàng hóa từ các nước trong khu vực, nhất là Thái Lan đang tràn vào Việt Nam, thì các doanh nghiệp Việt vẫn tự mò mẫm từng bước để xâm nhập thị trường. Điều này đã tạo áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt về cạnh tranh từ các nước ASEAN cả trong sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ.
Còn nhiều hạn chế
Dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030, AEC hứa hẹn mở ra một thị trường chung và tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận không gian thị trường rộng mở qua nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác ngoại khối. Cơ hội là vậy nhưng khi hàng hóa của các nước trong khối AEC đã tràn vào Việt Nam thì ngược lại tăng trưởng hàng Việt vào khu vực này vẫn rất thấp.
Thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, nếu như năm 2016 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực này chiếm 9,8% trên tổng kim cho ngạch xuất khẩu, thì đến năm 2017, tỷ lệ này nhích lên mức 11% và được cho là vẫn rất khiêm tốn. Đáng chú ý, khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan của doanh nghiệp Việt Nam cũng dừng lại ở mức hạn chế.
Ông Thái Văn Tám - Giám đốc Công ty chế biến thủy hải sản Thái Gia tại Nam Định chia sẻ: "Cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn, công ty cũng muốn đưa hàng sang thị trường ASEAN nhưng vẫn loay hoay chưa biết phải bắt đầu ra sao ?"
Theo ông Thái Văn Tám, do mới bắt tay vào xuất khẩu nên thấy khâu nào cũng quan trọng, từ quảng bá sản phẩm, thiết kế bao bì đến nâng chất cho sản phẩm đạt chuẩn cũng như tìm hiểu xu hướng thị trường.
Đồng quan điểm này, Giám đốc Hợp tác xã Thái Thuận chuyên sản xuất chè đen cũng cho rằng, do ở vùng sâu vùng xa của tỉnh Yên Bái, nên thông tin mà hợp tác xã nhận được thường kém hơn những nơi khác. Chính vì vậy, để hàng hóa Việt xâm nhập sâu vào thị trường ASEAN, cần nhiều hơn nữa tư vấn hỗ trợ từ phía Nhà nước để tránh đánh mất thời cơ, giúp tăng hiệu quả kinh doanh, giảm thiểu những rủi ro...
Không chỉ với các doanh nghiệp nhỏ, mà ngay cả những doanh nghiệp đã va vấp nhiều trên thương trường cũng khẳng định: Việc đưa hàng hóa vào thị trường ASEAN không hề đơn giản.
Theo ông Hà Xuân Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Sơn Việt, mặc dù đã có mặt tại nhiều kênh bán lẻ trong nước, nhưng hàng hóa của Sơn Việt vẫn gặp khó khi xuất khẩu sang ASEAN bởi thương hiệu vẫn còn xa lạ với thị trường này.
Vì vậy, sản phẩm của Sơn Việt chỉ mới tới được những thị trường có hệ thống phân phối tương đồng với Việt Nam hoặc có sức cạnh tranh chưa cao như Lào, Campuchia hoặc Myanmar.
Giới phân tích cho hay: Việt Nam cũng như các nước thành viên ASEAN đang cùng chia sẻ những lợi thế nổi trội khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập trên nền tảng của một ASEAN, một “trung tâm tăng trưởng” của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá mơ hồ về AEC.
So với các doanh nghiệp bạn trong khối ASEAN, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đi sau, tiềm lực hạn chế hơn, kinh nghiệm cũng ít hơn, đặc biệt là khả năng sử dụng ngoại ngữ hạn chế… Đây là những trở ngại chính khi Việt Nam tham gia AEC.
Cùng với đó, viễn cảnh hàng hoá của các nước trong khối ASEAN tràn ngập thị trường Việt Nam mang lại cơ hội cho người tiêu dùng mua hàng giá rẻ, giúp kiềm chế tăng giá ngoại nhập, nhưng cũng là thách thức không dễ chịu của nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng Việt có sức cạnh tranh thấp. Ngoài ra, Việt Nam cũng còn nhiều lúng túng trong việc xử lý các rào cản kỹ thuật bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước.
Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp chỉ có thể tận dụng được những lợi thế của AEC khi thực sự “đặt chân” vào thị trường ASEAN, trở thành “người chơi” trên thị trường đó và là một người chơi có đủ năng lực.
Và dù AEC đã trở thành một thị trường chung nhưng mỗi nước trong khối vẫn có sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, thị hiếu tiêu dùng. Vì thế, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu đất nước, con người, tập quán kinh doanh của từng thị trường.
Đáng chú ý, cộng đồng người theo đạo Hồi chiếm khoảng 2/5 dân số trong khối ASEAN, nên doanh nghiệp cần có một chiến lược riêng đối với lượng khách hàng này. Bởi sản phẩm dù đã đạt được những chứng nhận của các tổ chức quốc tế nhưng nếu không có chứng nhận Halal thì cũng rất khó chen chân và trụ vững.
Đổi mới để phát triển
Là doanh nghiệp nổi lên với kinh nghiệm chuyên xuất khẩu gốm sứ sang các quốc gia Mỹ, EU…thời gian qua tận dụng cơ hội giảm thuế, Công ty Gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu Quang Vinh lại chuyển hướng tới khu vực ASEAN. Vượt lên những khó khăn nội tại và nỗ lực của cả tập thể, đến nay sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ của công ty đã đứng vững trên thị trường Lào.
Đại diện công ty này cho biết, do đây là thị trường nhỏ nên thị phần xuất khẩu rất khiêm tốn. Tuy nhiên, đây chỉ là bước khởi đầu để hàng hóa của công ty thâm nhập sâu vào thị trường các nước ASEAN.
Không chỉ riêng với Công ty gốm sứ mỹ nghệ Quang Vinh, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã cố gắng đón đầu xu hướng, nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm để khơi thông những thị trường khu vực Đông Nam Á.
Đơn cử như Công ty Đại Đồng Tiến chuyên sản xuất hàng gia dụng là một trong những đơn vị tiên phong xuất khẩu các mặt hàng này vào một số nước như Myanmar, Thái Lan, với doanh số gia tăng đáng kể.
Nhận định về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: ASEAN là một trong những thị trường trọng điểm của hàng hóa Việt. Với việc thành lập AEC, hàng rào thuế quan trong khu vực ASEAN đã được dỡ bỏ.
Hiện, tỷ lệ bãi bỏ thuế quan ở các nước ASEAN-6 là 98%; của Việt Nam, Lào và Myanmar là 91% và đang phấn đấu đạt tỷ lệ 98% trong năm 2018 này. Nhờ đó, các doanh nghiệp sẽ được hưởng những yếu tố tích cực qua việc tăng khối lượng trao đổi thương mại, thay đổi cơ cấu xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu và tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như mở rộng thị phần…
Theo ông Trần Thanh Hải, cơ hội từ giảm thuế giúp lượng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào ASEAN ngày một tăng lên. Bên cạnh mặt hàng dầu thô và gạo là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường ASEAN, có rất nhiều mặt hàng khác cũng đang dần chiếm lĩnh thị trường và được người tiêu dùng các nước ASEAN ưa chuộng.
Chẳng hạn như sản phẩm giày dép, dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, cao su, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại… Tuy nhiên, để hàng hóa Việt thâm nhập sâu thị trường ASEAN, ông Trần Thanh Hải cho rằng, bên cạnh đầu tư đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, doanh nghiệp phải nắm rõ thị trường; đồng thời nỗ lực kết nối để xây dựng kênh phân phối riêng cũng như quan tâm nhiều hơn đến những hàng rào phi thuế quan như tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về phía Bộ Công Thương sẽ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tầm quốc gia cũng như hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô nhóm hàng hóa để giúp doanh nghiệp kết nối, giao thương tốt hơn với các thị trường tiềm năng tại khu vực ASEAN.